(HNMO) - Sau thành công của cuốn sách “1987” với cột mốc hơn 10.000 bản, “1987+: 30 chưa phải là Tết” là cuốn sách tiếp theo trong dự án sách về tuổi 30 do nhà báo Nguyễn Minh Ngọc (Nick M) làm chủ biên.
Sách quy tụ nhóm tác giả mới hoàn toàn, trong đó có cả nhóm nhân vật sinh năm 1988 - những người bước qua cột mốc tuổi 30 trong năm 2018. Nổi bật là những gương mặt nổi tiếng như: Hoa hậu Mai Phương Thuý, ca sĩ Uyên Linh, nhà sản xuất âm nhạc SlimV, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa...
Ca sĩ Uyên Linh |
Ca sĩ Uyên Linh sinh ra vào “ngày cùng, tháng tận” năm 1987 (chuyển giao giữa 31-12 và 1-1) nhưng đi học cùng các bạn 1988. Trong cuốn sách, Uyên Linh chia sẻ câu chuyện vào trước giai đoạn cô trở thành Vietnam Idol, khi còn là nữ sinh Học viện Ngoại giao (Hà Nội) đi làm gia sư, chạy bàn quán café, buôn quần áo và đi thi các cuộc thi âm nhạc sinh viên để kiếm tiền. Cột mốc Vietnam Idol 2010 đã thay đổi cuộc sống của Uyên Linh thế nào để đến nay, khi bước sang tuổi 30, cô coi đó là “độ tuổi tuyệt vời bởi khi đó, mình luôn biết bản thân muốn gì. Cảm xúc đôi khi có thể đi lạc nhưng tới tầm tuổi ấy, ta sẽ biết nghĩ cho người đối diện nhiều hơn”.
Hoa hậu Mai Phương Thuý |
Đã rời showbiz được ba năm để chuyên tâm vào công việc kinh doanh và đầu tư tài chính, Mai Phương Thúy được coi là một trong những Hoa hậu Việt Nam thành công nhất. Cô đăng quang năm 18 tuổi, hoạt động mạnh mẽ trong showbiz Việt những năm tháng đôi mươi và luôn là cái tên “hot” với truyền thông trong nước. Năm 2018, Mai Phương Thúy bước sang tuổi 30 nhưng vẫn tâm niệm: “30 sao phải khác 17?”. Nàng Hoa hậu sinh năm 1988 chia sẻ về cuộc sống hiện tại, những suy nghĩ của cô về xã hội hiện đại. Slogan của Mai Phương Thúy trong cuốn sách là: “Tuổi 17, ta muốn đi thám hiểm cả thế giới nhưng từ 30 trở đi là thời gian để khám phá chính bản thân mình”.
Đang là cái tên hot nhất hiện nay của làng nhạc điện tử trong nước, SlimV chia sẻ về con đường thành công của anh trong cuốn sách “1987+: 30 chưa phải là Tết” và cả những góc khuất phía sau thành công của một nhà sản xuất âm nhạc, DJ. Ở tuổi 30, một chàng trai như SlimV sẽ làm gì để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống, đặc biệt là bảo vệ đôi tai, sức khỏe khi tiếp xúc với âm thanh điện tử quá nhiều?
Trong hơn nửa năm qua, hành trình của phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa đi khắp thế giới cùng chiếc xe máy biển số 63 đã khiến bao người ngưỡng mộ và ao ước. Câu chuyện của anh có tên "Lái xe đi tìm kho báu".
Phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa |
Ngoài ra, cuốn sách còn có nhiều câu chuyện cùng các nhân vật thú vị khác. Hồng Mi (con gái lớn của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và NSƯT Chiều Xuân) sẽ kể câu chuyện về Tết Hà Nội. Hướng dẫn viên Võ Thành Luân chia sẻ dự án "Nhà của thời thanh xuân" dành cho người câm điếc ở Đà Lạt. Nhà báo Hoàng Anh hứa hẹn nhận được sự đồng cảm của người trẻ hiện đại với câu chuyện "Bao giờ lấy chồng?" cùng những câu hỏi muôn thuở trong dịp Tết.
Machi Nguyễn là một cô gái Đinh Mão đã hai lần "đò" và giờ đây tìm thấy hạnh phúc ở căn bếp. Hoàng Quang Thái là nhiếp ảnh gia sống tại Đức và hoạt động trong mạng lưới của Instagram. Bống Phạm là cô gái 1988 đã có chồng con đề huề nhưng đến năm 29 tuổi vẫn lên đường đi du học để tìm lại tuổi trẻ.
CEO Hoàng Anh Tuấn |
Đạo diễn kiêm Blogger Trung RWO với những trăn trở về chuyện hướng nghiệp, giáo dục. CEO Hoàng Anh Tuấn kể câu chuyện khởi nghiệp với bao thất bại để có được thành công. Bác sĩ gây mê Đặng Hải Sơn cho thấy cuộc sống của một bác sĩ là thế nào. Giám đốc truyền thông Dạ Thương với những trải nghiệm khi sống ở nhiều thành phố khác nhau. Nghiên cứu sinh Tố Linh từ bỏ học bổng tiến sĩ dang dở ở Mỹ để trở về Việt Nam viết sách.
Tuổi 30 đã giúp họ tìm được sự cân bằng. Sẽ vẫn còn đó những câu hỏi bỏ ngỏ, những băn khoăn, trăn trở, những kế hoạch chưa thực hiện được nhưng mọi lựa chọn đều thuộc về chính bản thân họ và chính chúng ta - những con người đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ tác động lên mọi thứ của cuộc sống, bao gồm cả cảm xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.