Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch

Hương Ly| 15/01/2011 07:43

(HNM) - Năm 2010, nền kinh tế Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan, GDP tăng 11% so với năm 2009, vượt chỉ tiêu đặt ra (10,5%), tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 94%/GDP (cả nước đạt khoảng 80%)...

Sản xuất các mặt hàng nhựa dân dụng trên dây chuyền thiết bị hiện đại tại Công ty Nhựa Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


GDP bình quân đầu người ước đạt 37 triệu đồng

Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã ghi được những dấu ấn quan trọng trên lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vừa thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng phải đối mặt với không ít thách thức, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, kinh tế Thủ đô đã từng bước vượt qua khó khăn và có những đóng góp đáng khích lệ vào bức tranh chung của cả nước. GDP của Hà Nội năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng 11% so với năm 2009 (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 10,5%), trong đó ngành công nghiệp xây dựng tăng 11,5%, dịch vụ 11%, nông nghiệp 6,2%... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành dịch vụ chiếm 52,5% GDP, công nghiệp và xây dựng 41,4%. Thu ngân sách năm 2010 đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với dự toán Chính phủ giao và tăng 34,6% so với năm 2009. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt 175 nghìn tỷ đồng, bằng 70% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 800 triệu USD, tăng 53%.

Hà Nội không ngừng củng cố, nâng cao vị thế trong nền kinh tế cả nước. Tính chung giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng GDP bình quân của Hà Nội đạt 10,7%/năm. Trong đó năm 2006 tăng 11,55%, năm 2007: 12,08%, năm 2008: 10,6% và năm 2010: 11%. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 1.700 USD (sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008) lên mức 1.950 USD năm 2010. Tăng trưởng ngành dịch vụ trên địa bàn đã có bước chuyển tích cực với tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng trên 32%. Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 22%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi cơ bản được giữ ổn định. Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã gắn với xây dựng hạ tầng và phát triển nông thôn mới.

Tái cơ cấu kinh tế theo hướng "xanh, sạch"
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Hà Nội tuy đã đạt tốc độ tăng trưởng cao song vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nguồn lực về con người, đất đai, văn hóa… vốn là ưu thế vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ vốn có tiềm năng và được kỳ vọng lớn nhưng mức tăng trưởng chỉ đạt 11%. Năm 2010 có nhiều ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng diễn ra, nhưng khả năng nắm bắt và khai thác cơ hội của ngành du lịch chưa tốt, thậm chí thu hút khách quốc tế tăng trưởng âm trong các tháng đầu năm. Trong công nghiệp, phần lớn DN đều có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm không có sức cạnh tranh. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vai trò các ngành công nghiệp chủ lực chưa rõ nét, chưa có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thương trường...

Theo TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, với những kết quả đã đạt được, bên cạnh mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, Hà Nội cần chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng để phát triển bền vững. Theo ông, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng cắt bỏ bao cấp và ưu đãi buộc lực lượng này phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cần khuyến khích sự ra đời các Tập đoàn kinh tế lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân. Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước trong việc tiếp cận các nguồn lực, vốn tín dụng và vốn ODA. Một trong những hướng đi quan trọng là ưu tiên phát triển những ngành sử dụng lao động chất lượng cao, dựa vào khoa học công nghệ, đặc biệt là ngành dịch vụ-du lịch chất lượng cao mà Hà Nội vốn có lợi thế...

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế bền vững cần có những chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, các ngành công nghiệp phụ trợ, để Hà Nội trở thành một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới. Cơ cấu thành phần kinh tế nên được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng DNNN, tăng tỷ trọng DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Loại hình DN sản xuất khép kín và đa ngành, đa sản phẩm cũng nên giảm bớt và ưu tiên DN hoạt động theo hướng liên kết...

Theo các chuyên gia kinh tế, với những lợi thế vốn có và nền tảng kinh tế đã đạt được, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội để đổi mới và vươn lên sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực. Nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng "xanh, sạch" sẽ giúp Thủ đô phát triển bền vững, theo xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới. Trong đó gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường, tạo tiền đề vững chắc để Hà Nội trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.