Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử thế nào với cái ác?

Lê Đức Hải| 21/12/2015 06:05

1. Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sát hại 6 người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước đã khép lại với 2 án tử hình dành cho những kẻ đã mất hết nhân tính, song chắc chắn còn đọng lại trong chúng ta những nỗi day dứt rất lớn.


Cùng thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử lưu động hai hung thủ gây ra vụ trọng án nói trên, ngày 17-12 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xét xử và tuyên án tử hình "tên giết người máu lạnh" - kẻ mà chỉ trong 4 tháng cuối năm 2014 đã gây hàng loạt vụ giết người, cướp tài sản tại 4 tỉnh, thành phố. "Máu lạnh" không chỉ vì hắn giết người không gớm tay, chỉ vì ảo giác, nghĩ mình là nhân vật trong game có sứ mệnh diệt trừ kẻ xấu, mà còn thể hiện ở thái độ ngông nghênh, bất hợp tác tại phiên tòa.

Ngày 18-12, một tờ báo đăng bài đề cập tới thông tin trước đó về một phụ nữ ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã "thoát hiểm" nhờ "nằm im, giả vờ ngủ say" khi tên trộm mang theo hung khí đột nhập vào nhà, khoắng sạch tiền bạc, nữ trang quý. Bài báo này phân tích trong bối cảnh an ninh trật tự phức tạp như hiện nay, "tránh voi chẳng xấu mặt nào" là một kỹ năng sinh tồn cần thiết, bởi "người sống là đống vàng"!

Xét ở góc độ chung thì quan điểm trên rất đúng. Đặc biệt là trong năm nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người hàng loạt, như báo chí vẫn gọi là "thảm sát", "thảm án" ở nhiều địa phương trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khiến dư luận phải bàng hoàng, rùng mình kinh sợ bởi mức độ nghiêm trọng của tội ác, sự tàn độc của hung thủ như vụ việc ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái... hay ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Có lẽ nếu nói năm 2015 là "đỉnh điểm" từ trước tới nay về tình trạng xảy ra các vụ án giết người hàng loạt cũng chẳng sai.

2. Cái ác trong xã hội biểu hiện rất đa dạng, không chỉ là hành vi tước đoạt mạng sống của đồng loại. Thực tế thì ngoài những trọng án giết người, số vụ trộm cướp tài sản, hành hung gây thương tích cũng đang có chiều hướng gia tăng. Báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng trộm cắp, cướp giật hoành hành giữa "thanh thiên bạch nhật" ở một vài địa phương. Chuyện đối tượng xấu hành hung, sử dụng bạo lực, giang hồ đâm chém nhau "như trong phim" xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tình trạng nữ sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng vẫn chưa thôi gây nhức nhối trong dư luận... Đáng chú ý là ngoài xuất phát điểm từ "tiền" hoặc "tình" thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bi kịch - tức là lý do một con người làm điều ác với đồng loại - thậm chí rất... trời ơi(!), như là giết người do ảo giác, "để lấy số" hay sử dụng bạo lực với người xung quanh vì va chạm xe, "ngứa tai, gai mắt", "ghét cái thái độ"...

Phải khẳng định tình trạng bạo lực, nhất là các vụ án trộm cướp, giết người nghiêm trọng trong thời gian gần đây đã gây tâm lý bất an trong xã hội, trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của dư luận xã hội. Không ít người bây giờ ra đường sợ bị cướp giật hoặc bị hành hung nếu lỡ va chạm, về nhà thì sợ trộm (mà kẻ trộm bây giờ thường dễ biến thành "đầu trộm đuôi cướp" - bị phát giác là có thể nảy sinh ý định cướp của, giết người ngay lập tức). Đã có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, dường như cái ác đang hoành hành, lấn át trong xã hội. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã thẳng thắn gọi tình trạng này là suy thoái, tha hóa của đạo đức trong xã hội.

Tuy nhiên, cái ác không chỉ là những hành động giết người, cướp của hay sử dụng bạo lực hành hung người khác, hoặc rộng hơn là phạm tội hình sự, nghĩa là biểu hiện một cách cụ thể, trực tiếp và hậu quả của nó cũng cụ thể, trực tiếp, mà cái ác trong xã hội bây giờ có thể nói là cũng rất "muôn hình vạn trạng".

Dư luận lâu nay vẫn bức xúc, lên án mạnh mẽ nạn sản xuất, buôn bán thực phẩm "bẩn", cụ thể là rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng hoặc có chứa chất cấm có thể gây ra các chứng bệnh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Đó là những doanh nghiệp, thương lái vô đạo đức, thậm chí là những nông dân biến chất - mải chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà coi thường tính mạng của người khác - đã buôn bán, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi hay sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Có thể những người này ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật, là làm hại người tiêu dùng và cộng đồng, nhưng cũng có thể không ít người không nhận thức được điều này, chỉ đơn giản là "có lợi thì làm".

Tuy nhiên, gọi những người có hành vi sử dụng vượt ngưỡng các chất vàng ô, sabutamol... trong thức ăn chăn nuôi, hay sử dụng hóa chất trong chế biến, bảo quản thực phẩm (trong đó có cả loại chất tạo ngọt mà chỉ 5 hạt nhỏ có thể pha với 150 lít nước, để pha chế nước giải khát hay nấu chè), có thể khiến nhiều người tiêu dùng mắc một số chứng bệnh ung thư..., là "kẻ thủ ác" liệu có quá lời không?

Phải khẳng định đó cũng chính là tội ác. Bởi những hành vi như vậy đã âm thầm hủy hoại sức khỏe, reo rắc cái chết cho cộng đồng, âm thầm đầu độc cả dân tộc. Khác với những hung thủ trong các vụ án hình sự thực hiện tội ác một cách trực tiếp, qua đó lập tức tước đoạt hay làm tổn thương mạng sống của một người hay một số người, những đối tượng gian thương, biến chất này đã thủ ác một cách gián tiếp và gây hậu quả lâu dài, nhất là không chỉ làm tổn hại sức khỏe thậm chí gây tử vong cho một vài người... Song cũng phải khẳng định, tiếp tay cho tình trạng này là sự lỏng lẻo trong quản lý, thậm chí có cả tiêu cực, bao che, dung túng của một số cơ quan chức năng. Rõ ràng nếu không có sự buông lỏng quản lý, bao che, dung túng thì làm sao một lượng lớn chất cấm có thể lọt qua biên giới và lưu hành rộng rãi trên thị trường? Nếu không có sự bao che, dung túng thì làm sao thực phẩm "bẩn" cứ kìn kìn tuồn vào các chợ, siêu thị và hiện diện trong các bếp ăn gia đình và tập thể?

3. Xã hội càng phát triển thì có thể sẽ phát sinh những loại tội phạm mới và hình thức phạm tội phức tạp hơn. Đặc biệt nguy hiểm, như một số chuyên gia tâm lý phân tích thì ranh giới giữa cái ác và cái thiện bây giờ rất mong manh. Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là khi phải đứng trước "ngã ba đường", buộc phải lựa chọn thì thay vì cái tốt, cái thiện nhiều người lại có xu hướng ngả sang việc xấu, trở thành kẻ thủ ác. Và đó là lý do dẫn đến ý kiến cho rằng dường như cái ác đang lấn át cái thiện.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng tha hóa, xuống cấp về đạo đức trong xã hội, biểu hiện ở thực tế ngày càng xảy ra nhiều hành vi tội ác, trước hết là tác động tiêu cực của môi trường kinh tế - xã hội, cụ thể là sự phát triển kinh tế không đồng đều với phát triển văn hóa - xã hội. Một bộ phận người dân có lối sống hưởng thụ, coi thường mọi giá trị đạo đức, muốn làm giàu nhanh, kiếm tiền bất chính. Sự phân hóa xã hội ngày càng rõ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng khiến một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ bị mất niềm tin và mất phương hướng. Đáng chú ý là trong nhiều vụ trọng án, bố mẹ hung thủ tỏ ra bất ngờ trước hành vi tàn bạo của con mình. Thực tế này cho thấy ngoài trình độ dân trí, nhận thức pháp luật thấp thì sự thiếu giáo dục thường xuyên của gia đình và nhà trường là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm gia tăng... Đáng nói là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiều hướng gia tăng của tội ác và tội phạm hiện nay chính là thái độ thỏa hiệp của nhiều cơ quan chức năng, thể hiện qua sự buông lỏng của công tác quản lý và kẽ hở của hệ thống pháp luật, đặc biệt là sự thiếu công bằng, nghiêm minh trong một số chính sách xã hội đã dẫn đến sự mất niềm tin trong một bộ phận nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã khai thác thái quá các tình tiết trong nhiều vụ án nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, bất bình trong dư luận xã hội. Ý kiến nhận định rằng có cảm giác như báo chí đã góp phần tiếp tay, làm lan tỏa cái ác trong xã hội xem ra đúng với không ít tờ báo. Ngoài ra, sự lựa chọn thái độ "tránh voi chẳng xấu mặt nào" có thể là hành động khôn ngoan, một kỹ năng sinh tồn cần thiết trong trường hợp con người phải đối diện với cái ác, nguy cơ trực tiếp đến sinh mạng mình, nhưng nếu tâm lý này lan tỏa trong cộng đồng, áp dụng đối với mọi trường hợp, nhiều lĩnh vực trong xã hội thì sẽ hình thành sự vô cảm, thỏa hiệp, dễ dãi, tạo điều kiện cho cái ác lấn lướt.

Cái ác sẽ ngày càng mạnh hơn, hoành hành và lấn át trong xã hội nếu không bị đấu tranh, ngăn chặn một cách quyết liệt, xử lý thật nghiêm minh. Tuy nhiên, đó không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp như công an, tòa án, viện kiểm sát, mà phải là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, "tuyến đầu" ngăn chặn, tiêu diệt cái xấu, cái ác từ trong mầm mống phải là vòng tay yêu thương cùng sự giáo dục chu đáo của gia đình và nhà trường, đặc biệt là phải xác định nhiệm vụ "dạy người" quan trọng không kém "dạy chữ", thậm chí còn hơn thế, để hình thành những phẩm chất đạo đức cơ bản và lối sống nhân văn cho trẻ ngay từ khi còn ở tuổi chập chững đến trường và duy trì, phát huy trong suốt những năm tháng cuộc đời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử thế nào với cái ác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.