(HNM) - Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, trong đó tác động mạnh tới sức khỏe tâm thần của người dân theo nhiều cách khác nhau. Để giữ vững tinh thần, tránh những tác động tâm lý không mong muốn, mỗi người cần thay đổi thói quen, thích ứng với điều kiện mới trong mùa dịch.
Mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm
Đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 1 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, chị N.T.L (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải nghỉ làm vì thu nhập không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt. Không tìm được công việc khác, chị L. về nước và được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Những ngày trong khu cách ly, chị L. có biểu hiện mất ngủ, nói lảm nhảm, đi lại như người mất hồn cả ngày lẫn đêm. Sau đó, chị được chuyển tới khu cách ly dành riêng cho người có dấu hiệu tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị.
Không chỉ điều trị cho những người có dấu hiệu rối loạn tâm thần đến từ các khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội còn tiếp nhận những bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng bệnh tâm thần ở các bệnh viện khác chuyển tới… Trong năm 2020, khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận khoảng 100 người. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 40 người, trong đó riêng đợt dịch Covid-19 thứ 4 này (từ ngày 27-4 đến nay) có hơn 20 người được đưa đến khu cách ly của bệnh viện.
Đề cập đến những trường hợp dễ bị tác động tới sức khỏe tâm thần trong mùa dịch, bác sĩ Trần Đức Cường - người trực tiếp điều trị bệnh nhân tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng, những trường hợp dễ mắc rối loạn tâm thần nhất phải kể đến là bệnh nhân Covid-19. Có những bệnh nhân ngay trong những ngày đầu nhập viện cách ly, điều trị đã xuất hiện dấu hiệu mất ngủ, lo âu, căng thẳng (stress)… kéo dài. Thậm chí, những người này khi khỏi bệnh trở về cộng đồng cũng chịu áp lực tâm lý nặng nề. “Khi xuất hiện bất thường về sức khỏe: Đau đầu, lo âu, stress… kéo dài, nếu không kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới bệnh lý tâm thần”, bác sĩ Trần Đức Cường lưu ý.
Theo GS.TS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103), người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính lo sợ bị mắc Covid-19 dễ tử vong hay trường hợp bị sang chấn tâm lý khi mất người thân vì dịch bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh khiến nhiều cửa hàng bị đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất do công nhân nhiễm bệnh… gây ra tổn thất về mặt kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đè nặng. Đây là những nguyên nhân khiến tâm lý của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề. Khi sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin thêm, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng chịu áp lực tâm lý khi dịch Covid-19 xuất hiện. Chẳng hạn, khi việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, thậm chí nhiều gia đình cho con “làm bạn” với điện thoại thông minh, máy tính có thể gây ra vấn đề rối loạn tâm lý do nghiện game, internet… ở trẻ.
Thay đổi để vượt qua đại dịch
Diễn biến dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, do đó Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Nguyễn Quang Bính khuyến cáo, người dân cần phải chấp nhận, thay đổi lối sống để thích nghi. Đó là tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bằng các liệu pháp đơn giản, như: Thư giãn, luyện tập yoga, thiền, nghỉ ngơi, đọc sách... Khi có các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị, nếu không có thể bỏ qua “cơ hội vàng” để hồi phục.
Riêng đối với người cao tuổi, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, trong gia đình, người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi để họ không cảm thấy cô đơn. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, canxi… để tăng cường thể lực. Hiện nay, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ tư vấn trực tuyến, do đó, với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, nên sử dụng phương thức này để chia sẻ, nói chuyện với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó giảm bớt lo âu.
Chuyên gia tâm lý - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, mọi người nên nói ra tâm sự của mình để được chia sẻ, càng nói được với nhiều người, thì càng giải tỏa được lo lắng. Học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc bằng cách tăng cường trò chuyện với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình. Và trong bối cảnh ấy, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng, cần biết lắng nghe, động viên con em vượt qua khủng hoảng của bản thân. Trong khi phải ở nhà, hạn chế ra ngoài, học sinh nên dành thời gian cho những sở thích, như: Hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục, thể thao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.