(HNM) - Mưa lũ, thiên tai luôn diễn biến bất thường, phức tạp và khó lường. Vì vậy, nhiều giải pháp sẵn sàng ứng phó các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được thành phố Hà Nội chủ động triển khai.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
“Cứ mỗi khi xảy ra mưa bão, biết tin hồ thủy điện xả lũ… hơn 130 hộ dân ở thôn Chu Châu, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) lại mất ăn, mất ngủ”, ông Nguyễn Quang Lai, người dân địa phương lo lắng. Thực tế tại đây có gần 1,5km bờ sông Hồng giáp tuyến đường của thôn đã bị sạt lở. Khoảng 10.000m2 đất sản xuất nông nghiệp, 11 công trình phụ, hơn 50 bụi tre bảo vệ bờ sông… đã bị cuốn trôi theo dòng sông. Hiện vẫn còn 35 ngôi nhà ở thôn Chu Châu nằm trong khu vực nguy cơ bị sạt lở.
Tương tự, 2 tháng gần đây, kè Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) liên tiếp bị sạt lở. Đoạn tại vị trí phía sau kè mỏ hàn số 9, khoảng 35m chân kè đã bị lở xuống lòng sông với chiều rộng 3-4m, sâu 4-5m. Cách vị trí này khoảng 260m về phía hạ du, 25m chân kè phía sau kè mỏ hàn số 10 cũng bị sạt lở với chiều rộng 1-2m, sâu 3-5m. Do mái kè cũng là mái đê nên khi xảy ra sạt lở nhiều người dân trên địa bàn xã Cổ Đô, huyện Ba Vì thấp thỏm lo âu. Chủ tịch UBND xã Cổ Đô Nguyễn Minh Đức cho biết: “Từ khi phát hiện chân kè bị sạt lở đến nay, ngày nào chúng tôi cũng cử người kiểm tra, theo dõi và báo cáo cơ quan chức năng diễn biến sự cố”.
Trong khi đó, nỗi lo lớn nhất của các quận trung tâm thành phố trong mùa mưa bão là sự cố sập đổ công trình. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Phương Nga phản ánh: Hiện trên địa bàn phường có một số khu tập thể như: Du lịch Hà Nội, Dệt Hà Nội, Xi măng, Than… có nhà xuống cấp, nguy hiểm, với tổng số 262 hộ dân. Còn tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), theo Chủ tịch UBND phường Lê Bích Hằng, nếu đồng thời xảy ra bão và lũ lớn trên sông Hồng, phường sẽ phải di dời 3.063 hộ dân, với 13.413 nhân khẩu sinh sống ở khu vực ngoài đê.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Trần Thanh Mẫn cho biết, từ mùa mưa bão năm 2018 đến nay, trên các tuyến sông đi qua thành phố đã xảy ra 55 sự cố đê điều; trong đó có 22 sự cố nguy hiểm. Bên cạnh đó, Hà Nội còn 3 vị trí đê điều trọng điểm, 13 vị trí đê điều xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố. Trên địa bàn thành phố còn 1.579 chung cư cũ xuống cấp thuộc địa bàn các quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa… "Thực tế nêu trên đã và đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp thiết đối với thành phố Hà Nội nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường trong mùa mưa lũ năm nay", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Xây dựng phương án sát thực tế
Trao đổi về các phương án ứng phó với sự cố thiên tai, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 485,5 tỷ đồng xử lý khẩn cấp 22 sự cố đê điều nguy hiểm; tiến độ thực hiện các dự án hiện đạt từ 60 đến 90% khối lượng công việc.
Đối với 32 sự cố ít nghiêm trọng hơn, UBND thành phố giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đưa vào chương trình đầu tư thường xuyên và trung hạn; đồng thời giao các địa phương lập phương án theo dõi, bảo vệ trong mùa mưa bão. Đối với 16 vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì… lập phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ 2019…
Thông tin về việc ứng phó sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, đến thời điểm này, 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai, với tổng số 64.948 người. Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai. Đặc biệt, các địa phương đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… trong trường hợp xảy ra sự cố, thiên tai.
Nằm ở vị trí hợp lưu của 3 dòng sông lớn là: Đà, Thao, Lô, mùa mưa bão năm nay, huyện Ba Vì xác định còn 6 vị trí đê trọng điểm, xung yếu. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, 15 xã, thị trấn có đê đã thành lập lực lượng tuần tra, canh gác, với tổng số 162 người; riêng các xã: Cổ Đô, Phú Châu, Sơn Hà có vị trí đê trọng điểm, xung yếu bố trí mỗi xã 30 người. Các cơ quan, trường học đứng chân trên địa bàn đã thành lập các đội xung kích cơ động 30-40 người để làm nhiệm vụ ứng cứu, hỗ trợ khi có lệnh. Về vật tư phục vụ hộ đê, các xã, thị trấn đã bố trí 3.892m3 đá hộc, 2.100 rọ thép, 4.700 bao tải, dự trữ 1.500m3 đất, 360m3 cát vàng, sỏi, 4 máy phát điện…
Còn tại quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung khẳng định: Đến thời điểm này, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, thống kê các khu nhà tập thể, chung cư cũ xuống cấp, khu nhà ở ngoài đê, sát bờ sông không bảo đảm an toàn… Trên cơ sở đó, quận đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai phương án di dời dân trong các nhà xuống cấp nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời, hiệp đồng với Bệnh viện trung ương Quân đội 108 chuẩn bị 2 đội cấp cứu cơ động và phương tiện kỹ thuật tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra…
Để kịp thời ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả sự cố, thiên tai, Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hiệp đồng với 51 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn thành phố, với tổng số 9.655 cán bộ, chiến sĩ và 324 phương tiện các loại... Với phương châm chủ động, tích cực, có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, lũ và các sự cố thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.