(HNMO)- Đó là con số được UBND huyện Ứng Hoà (Hà Nội) đưa ra vào chiều nay (27-6), trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo Thông tư 14 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Theo UBND huyện Ứng Hòa, hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.210 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 570 cơ sở dịch vụ ăn uống và 640 cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mới có 44/1.210 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngoài ra, còn có 141 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, 50 hộ bán giống cây trồng; 144 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm ở các khu dân cư; 23 chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
Trong khi đó, huyện chưa có biên chế về cán bộ mà chỉ kiêm nghiệm; ở cấp xã, thị trấn đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia kiểm tra, đánh giá, phân loại không có chứng chỉ lấy mẫu, chưa có kinh nghiệm về công tác kiểm tra, đánh giá và phải kiêm nghiệm nhiều công việc khác...
Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, huyện Ứng Hoà mới chỉ dừng lại ở mức độ điều tra thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, mà chưa có sự đánh giá phân loại theo Thông tư 14 một cách rõ ràng, cụ thể. Việc cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện ATVSTP chưa được thực hiện...
Ban chỉ đạo Thông tư 14 yêu cầu huyện Ứng Hoà từ nay đến cuối năm phải đánh giá phân loại các cơ sở theo quy định, trong đó 30% số cơ sở trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về ATVSTP trong kinh doanh, buôn bán thực phẩm, vật tư nông nghiệp. Huyện cần quy hoạch khu giết mổ tập trung để kiểm soát được chất lượng thịt gia súc, gia cầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.