(HNMO) - Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận về những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc tăng mức xử phạt tối đa với các hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại kỳ họp trước, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính kỳ này đã quy định, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng – 1 tỷ đồng đối với cá nhân và từ 100.000 đồng – 2 tỷ đồng đối với các tổ chức.
Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến – Bà Rịa – Vũng Tàu, Lưu Thị Huyền – Ninh Bình, Phạm Thị Thu Hồng – Bình Định, Đỗ Kim Tuyến – Hà Nội… cơ bản đều nhất trí với quy định trên. Theo các đại biểu này, mặc dù mức phạt cao không phải là biện pháp duy nhất nhưng nó rất quan trọng và có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa lớn.
“Mức phạt hiện hành đã quá lạc hậu, dân kêu, người thi hành công vụ cũng kêu nên các vi phạm hành chính ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng, ngang nhiên hơn và ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức xử phạt tối thiểu với tổ chức 100.000 đồng là quá thấp, không có tác dụng răn đe”, đại biểu Hiến nói.
Đại biểu Hiến cũng lưu ý, một số luật hiện đang thi hành có các quy định về xử lý vi phạm hành chính rất khác về mức phạt, thời hiệu so với dự thảo đang xem xét. Vì vậy, nếu thông qua luật này, cần có quy định dẫn chiếu pháp luật cho phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có một số ít đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về mức trần xử phạt vi phạm hành chính. Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng cho rằng, mức phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức là quá cao. Việc đặt ra mức phạt cao không phải là biện pháp hữu hiệu mà còn dẫn đến tiêu cực. Do đó, nên cân nhắc tăng mức phạt tối đa cho phù hợp để vừa đảm bảo răn đe, vừa phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay.
Đại biểu Ngô Văn Minh – Quảng Nam cũng có chung quan điểm. Theo ông, mức xử phạt tối đa như trong dự thảo luật là “chưa thỏa đáng”. Bởi phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà có mức xử phạt cho phù hợp, chứ không thể phân định cá nhân phạt thấp hơn tổ chức, bởi đôi khi có những hành vi do cá nhân thực hiện nhưng gây hậu quả còn lớn hơn cả tổ chức.
Dưới một góc độ khác, các đại biểu Trần Văn Độ - An Giang, Phạm Văn Tấn – Nghệ An đề nghị, cần phân biệt rõ hơn mức phạt tiền giữa tổ chức và cá nhân và nhất trí có thể áp dụng tăng mức xử phạt cao hơn nữa với tổ chức.
Đại biểu Trần Văn Độ phân tích, với tổ chức, pháp nhân, thậm chí có thể nâng mức phạt cao hơn nữa, ở cả mức tối thiểu và tối đa bởi Luật hình sự chưa quy định tổ chức hoặc pháp nhân là chủ thể của tội phạm nên bất kỳ vi phạm nào của tổ chức, pháp nhân cũng chỉ bị xử vi phạm hành chính. Trong khi đó, những hành vi vi phạm nghiêm trọng của cá nhân đều có quy định xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ những hành vi nhỏ mới bị xử phạt hành chính. Vì vậy, với mức thu nhập như hiện nay mà đề ra mức xử phạt 1 tỷ đồng với cá nhân là quá cao.
“Tôi nhất trí quan điểm rằng, việc nâng mức xử phạt không phải và không thể là biện pháp hữu hiệu và duy nhất. Để quản lý tốt, mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện và xử lý. Việc xử lý nặng đôi khi tạo ra sự chai lỳ, phản ứng tiêu cực từ người vi phạm”, đại biểu Độ nói.
Theo đại biểu Độ, dự luật nên sửa đổi nguyên tắc xử phạt theo hướng, chỉ cần quy định mức xử phạt với tổ chức cao hơn với cá nhân, khôngnhất thiết phải quy định cụ thể là gấp 2 lần. Với tổ chức, mức xử phạt tối thiểu có thể là 500.000 đồng, tối đa là 5 tỷ đồng, còn với cá nhân là từ 50.000 đồng - 500 triệu đồng, nhưng không cao hơn mức phạt hình sự với hành vi tương ứng.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm góp ý nhiều và đa số bày tỏ sự tán thành là quy định về việc cho phép các vùng nội đô của các thành phố trực thuộc Trung ương được tăng mức xử phạt hành chính ở các lĩnh vực trật tự giao thông, môi trường và quản lý đô thị lên gấp không quá 2 lần mức quy định chung của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.