(HNNN) - Thời buổi làm ăn kinh tế thị trường nên "phi thương bất phú", nhà nhà muốn kinh doanh, người người muốn làm giàu nhanh, bởi vậy các tác giả phong thủy cũng muốn tham gia vào việc truyền bá bí quyết phong thủy trong kinh doanh để vừa giúp mọi người và cũng giúp chính họ kiếm tiền bán sách.
Như cuốn Phong thủy tài vận của một tác giả Trung Quốc được nhà xuất bản Thời đại dịch, xuất bản năm 2010 chẳng hạn. Sau phần mở đầu Dẫn nhập nói về lý thuyết âm dương ngũ hành là phần Chính tài, hướng dẫn giảng giải những vấn đề quan trọng trong kinh doanh là tiền tài. Sách khẳng định mỗi tòa nhà, văn phòng, cửa hàng đều có một vị trí tiền tài nên phong thủy cửa hàng, công ty sẽ có mối quan hệ trực tiếp đến tốt - xấu, khó khăn - thuận lợi của ngành nghề. Vậy nên phương pháp tốt nhất trước hết là:
1. Phải kích thích tài khí, tiền tài sẽ tự nhiên mà đến: Mỗi cửa hàng hoặc phòng làm việc đều có một vị trí có tài khí mạnh nhất, làm cho vận thế của công ty hưng thịnh, đem đến tài lộc cho công ty. Nhưng do hướng quay của cửa hàng, văn phòng làm việc là khác nhau cho nên vị trí của tiền tài cũng khác nhau (trang 33).
* Đây là cách lý giải nặng về cách làm ăn nhỏ lẻ, tự phát và không hiện đại lắm. Bây giờ rất nhiều khu nhà cao tầng được sử dụng làm tổ hợp văn phòng, khu mua bán, siêu thị, tầng nào cũng có cửa hàng, quầy hàng, đa số đối diện nhau hoặc nhìn ra cầu thang, băng chuyền, thậm chí còn không có vị trí cụ thể, hàng hóa bày la liệt khắp nơi thì tài khí nằm ở đâu để sinh?
- Có những khu vực do đơn vị chủ quản kinh doanh độc quyền, do đó tất nhiên không có cạnh tranh nên dù trong hoàn cảnh nào, hễ có khách là họ bán được hàng, chỉ có nhiều ít từng thời điểm mà thôi (ví dụ quầy miễn thuế sân bay). Ngoài ra, các đại lý bán vé máy bay, vé tàu hỏa hoặc một số cơ sở kinh doanh bây giờ cũng thường mua bán qua mạng internet, vì thế không cần tài khí, chỉ cần một chỗ ngồi và cái máy tính là kiếm ra tiền.
- Một số tổng công ty, công ty Nhà nước tọa lạc ở những vị trí đắc địa, phong thủy rất đẹp, đang ăn nên làm ra rất hoành tráng nhưng đột nhiên phát hiện ra lãnh đạo thông đồng với kế toán tham nhũng, rút ruột công quỹ, thế là công ty đó rối loạn, sa sút, sập tiệm! Vậy đâu phải phong thủy tốt, tài khí mạnh, tiền tài tự nhiên đến mà không đi?
2. Sách nói phương pháp cơ bản để thúc đẩy tiền tài: Mỗi cửa hàng hay văn phòng làm việc đều có tài vị, nếu không có biện pháp thúc đẩy thì khó có được tài khí. Chúng ta cần phải lợi dụng các yếu quyết phong thủy để thúc đẩy tài khí. Trong đó, phương pháp đơn giản nhất là sử dụng một cái bình trồng cây xanh tốt để cho cái khí mà cây xanh phát tán ra thúc đẩy tài khí, nhờ đó mà có lợi cho việc làm ăn kinh doanh của cửa hàng hoặc phòng làm việc… Loại bình cây cảnh được nhiều người ưa chuộng nhất là cây Vạn niên thanh, còn các loại cây cũng có thể dùng được như Trường xuân, Trúc quân tử (trang 38).
* Ai cũng ham muốn làm giàu, thậm chí càng nhanh càng tốt! Vì vậy, nếu chỉ thúc đẩy tài khí đơn giản như sách nói thì ngại gì mà không trồng tất cả các loại cây có tác dụng, thậm chí trồng khắp trong ngoài cửa hàng, văn phòng thì chẳng mấy chốc mà hơn Bill Gate! Nhưng thực tế cây đặt nhiều hay ít, có hay không tác dụng thì mọi người đều hiểu cả. Vả lại, trong cơ chế cơ quan kinh doanh Nhà nước hay công ty tư nhân cũng thế thôi, làm thế nào mà giàu đột biến nhờ mấy cái cây trồng làm cảnh được (nhân viên mà giàu hơn sếp thì chắc nằm mơ giữa ban ngày?).
3. Phương pháp đưa quý nhân tới cửa hàng có thể đem lại tài lộc: Phong thủy có hai khái niệm có nguồn gốc từ thiên tinh học là Bạch Hổ (tiểu nhân) và Thanh Long (quý nhân). Chúng ta cần phải biết cách thiết kế phù hợp để có thể đạt được những lợi ích mà Thanh Long mang tới, biến mỗi vị khách trở thành quý nhân. Chỉ cần bạn đứng ở trong cửa hàng hoặc phòng làm việc hướng ra cửa chính thì bên trái là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ. Ứng dụng cụ thể là để cho khách đi vào theo lối Thanh Long và tránh sử dụng hướng Bạch Hổ (trang 39).
* Không thể ngờ được bí quyết phong thủy lại đơn giản thế mà không ai làm theo? Nếu để mở ra rồi lại phải phân biệt hai cửa như vậy thì không thể cấm khách đi vào cửa Bạch Hổ, nên họ cứ vào cửa Bạch Hổ, ra cửa Thanh Long hoặc ngược lại! Còn nếu có cửa Bạch Hổ rồi lại đặt biển cấm đi vào thì phức tạp quá. Câu hỏi gợi ý là tại sao ta không bịt hướng cửa Bạch Hổ lại, mở cả hai cửa ở hướng Thanh Long có phải chắc ăn và tốt hơn không? Câu trả lời thực tế là: Không phải nhà kinh doanh nào cũng tùy ý đục cửa hướng đẹp, bởi còn phải phụ thuộc vào địa điểm, địa điểm phụ thuộc vào khả năng tài chính, mà tiền thì chắc chắn không nhờ vả được các nhà nghiên cứu phong thủy rồi!
4. Ánh sáng của đèn liên quan đến phong thủy: Đèn treo sinh ra quang và nhiệt, đầu óc con người lại tương đối mẫn cảm với những điều đó. Sức nóng có thể khiến đầu bị choáng, làm mất đi lý tính vì thế mà làm cho người ta trở nên khó chịu. Đây là điều cần tránh trong việc kinh doanh, buôn bán. Vì thế, đèn treo không được trực tiếp lắp ở đỉnh đầu, nếu như muốn lắp thêm đèn thì đặt cách mặt tầm 3m (trang 53).
* Ánh sáng trong cửa hàng hay cửa hiệu không nhất thiết phải gay gắt đến mức khó chịu, có thể sử dụng kết hợp cả ánh sáng trời. Đối với những cửa hàng có hàng trưng bày thì ánh sáng được ưu tiên chiếu vào các gian hàng để làm nổi bật sản phẩm, không ai lại dùng đèn chiếu vào đầu (một lý do nữa là cũng cần phải tiết kiệm điện). Tuy nhiên, với những nguồn sáng như vậy mà người chủ cửa hàng không chịu được, mất đi lý tính thì sao đủ sức kinh doanh vì thương trường luôn là chiến trường!
5. Chọn cửa hàng kinh doanh cần xem tọa hướng: Chọn hướng Nam, tránh hướng Đông Bắc. Nếu như mặt tiền hướng về phía Bắc, bất kể gió Tây Bắc - Đông Bắc đều đi qua cửa chính của cửa hàng, hàn khí là một dạng sát khí không có lợi cho con người và kinh doanh. Nếu cửa hàng mở hướng Đông Tây, mùa hè mặt trời sẽ chiếu vào từ sáng sớm đến tối, phong thủy coi đây là sát khí (trang 61-62).
* Đọc những hướng dẫn của sách, có thể ngay lập tức hình dung ra kiểu cửa hàng kinh doanh ở các chợ huyện (vì những cửa hàng ở thành phố đều có quạt, điều hòa cho mùa hè; cửa kính kín gió cho mùa đông. Ai đã làm kinh doanh thì đều phải bươn chải, chịu đựng, chấp nhận nếu không làm gì có lãi?): Lán, lều bạt hay bao dứa; mái tôn (hoặc lá gồi); phên tre hay đất trộn; cửa cót ép hay liếp nứa đúng là sợ hàn khí hoặc hỏa khí bốn mùa! Nhưng những người kinh doanh cá thể (cũng như một số gia đình sử dụng nhà làm cửa hàng tạp hóa, tạp phẩm tại các ngõ, phố) vốn đầu tư ít, cơ sở vật chất khó khăn như thế thì còn sợ gì sát khí, miễn là bán được hàng, không ế ẩm?
6. Màu sắc tạo hình: Năm sắc màu thời Trung Quốc cổ đại còn có ý nghĩa đặc thù là: xanh - vĩnh viễn, hòa bình; đỏ - hạnh phúc, hỷ; vàng - lực, phúc, hoàng đế; trắng - bi ai, hòa bình; đen - phá hoại… Khi thiết kế màu sắc bên ngoài cửa hàng, phải chú ý quan niệm, nhận thức truyền thống đối với màu sắc, phải khiến cho mọi người tiếp nhận màu sắc ấy (trang 70-71).
* Từ xưa, người ta đã nhận xét rằng bách nhân - bách khẩu, làm sao chiều được lòng cả thiên hạ, nhất là khi chọn nghề làm dâu trăm họ? Vậy nên màu sắc cửa hàng thường được chọn theo gu thẩm mỹ của chủ nhân, hài hòa với cảnh quan, nhưng không thể bắt tất cả mọi người tiếp nhận màu sắc ấy được. Vả lại nếu căn cứ vào ý nghĩ cổ đại của màu sắc thì sao ta không quét sơn toàn màu đỏ tươi cho hỷ, toàn màu vàng chóe cho phúc? Hoặc tất cả màu nào có ý nghĩa tốt thì quét cả lên tường để làm ăn phát đạt? Nếu vậy, khác nào sách phong thủy xui cả chủ hàng và khách hàng phát… điên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.