Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng ERP và khả năng triển khai kết hợp trên nền điện toán đám mây

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 26/06/2016 07:06

(HNMO) - Trong bối cảnh điện toán đám mây và những công nghệ dựa trên nền tảng mới này đang phát triển mạnh mẽ, HNMO đã có buổi trao đổi với ông Jasbir Singh, Phó chủ tịch tập đoàn Oracle về khả năng ứng dụng ERP - Enterprise Resource Planning - trong môi trường điện toán đám mây.

Ông Jasbir Singh



PV: Theo ông, đâu là dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong tương lai gần?

Ông Singh:
Thị trường toàn cầu đang liên tục đòi hỏi những đột phá công nghệ, và giải pháp tối ưu chi phí do điều kiện kinh tế và thị hiếu luôn thay đổi. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang phân vân nên áp dụng ngay những giải pháp công nghệ mới hay tiếp tục duy trì cơ cấu hiện tại để chờ thời cơ thích hợp hơn?

Theo thống kê, các doanh nghiệp trên toàn thế giới thường dành trung bình khoảng 82% kinh phí công nghệ thông tin cho việc duy trì, và chỉ dành 18% còn lại cho các giải pháp mới. Nhưng, chính cách phân bổ ngân sách này đã cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp trong thị trường đầy năng động – một yếu tố thiết yếu giúp vượt qua được tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Một đặc điểm đáng lưu ý mà ít doanh nghiệp có thể nhận ra là sự lên ngôi của thế hệ trí thức trẻ - lực lượng lao động được sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Họ luôn đòi hỏi những công cụ tích hợp đa chức năng, từ phân tích, nhận định, dự đoán đến khả năng di dộng cao trong mọi hoạt động. Một hệ thống toàn diện cần sở hữu mọi tính năng tân tiến đó, nếu không doanh nghiệp sẽ khó giữ chân các nhân tài trẻ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi luật lệ cho phù hợp với thế hệ lao động này. Tiêu biểu như xu hướng tự mang thiết bị cá nhân đến nơi làm việc (BYOD – Bring-your-own-device).

PV: Thị trường nội địa cần phải thay đổi ra sao nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng như mong đợi?

Ông Singh: 
Thị trường hiện nay không ngừng thay đổi, do đó, việc phản ứng nhanh nhạy hơn so với đối thủ sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng được lợi thế hết sức quan trọng.

Nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, doanh nghiệp buộc phải thật nhanh nhạy và nắm bắt mọi thông tin cần thiết giúp đưa ra được những quyết định phù hợp với nguồn lực của mình. Câu hỏi cần phải đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại nhằm thích ứng với các thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng đến mức nào?

Bởi vậy, công nghệ Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) trên nền tảng điện toán đám mây hiện là giải pháp hoàn hảo giúp phát hiện và phân tích những thay đổi liên tục của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tình hình kinh tế nói chung. Điện toán đám mây sẽ cung cấp một nền tảng phù hợp cho mọi doanh nghiệp với mọi quy mô nhằm thay đổi tỷ lệ phân bổ ngân sách CNTT sao cho nguồn lực được bố trí hiệu quả cho quá trình đổi mới, thay vì chỉ tập trung vào việc duy trì hệ thống hiện hành.

PV: Ông có thể kể một số ví dụ điển hình chứng minh tính hiệu quả của ERP trong doanh nghiệp không?

Ông Singh: 
Ứng dụng ERP đã phát triển vượt bậc trong 2 thập kỷ trở lại đây. Ngành công nghiệp được hưởng lợi khá nhiều từ ERP là ngành bán lẻ và thương mại điện tử. Gần đây, Oracle đã khảo sát khoảng 5000 người tiêu dùng trên 10 quốc gia và khu vực khác nhau. Kết quả cho thấy 83% đơn vị bán lẻ đang có ý định đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ hiện đại. Điều này có thể được lý giải bởi 67% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các thiết bị di dộng cho quá trình mua sắm.

Thực trạng cho thấy hầu hết các hãng bán lẻ trên toàn thế giới, dù thuộc lĩnh vực kinh doanh nào, có quy mô ra sao, đều đang phải chịu một vấn đề chung – hệ thống kinh doanh lỗi thời và thiếu tính liên kết không đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu suất và thúc đẩy sự tăng trưởng cho toàn doanh nghiệp, phải kể đến như khả năng định giá thiếu tính nhất quán, không hỗ trợ tổng hợp lượng hàng tồn kho, tính năng phân tích đơn hàng chưa phù hợp, hay đơn giản như việc không đủ khả năng mở rộng thị trường kinh doanh ra một quốc gia khác.

Các đơn vị bán lẻ cần những ứng dụng phù hợp, giúp cung cấp một quy trình kinh doanh toàn diện. Từ việc định giá tới các phương pháp trả hàng, mọi quá trình đều phải được nâng cấp và hoàn tất một cách dễ dàng nhất. Tính năng này đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lý hàng tồn kho, từ đó cải thiện chu kỳ kinh doanh hiệu quả sao cho phù hợp với lưu lượng hiện tại của hàng hóa.

PV: Phương pháp ERP liệu sẽ giúp giảm thiểu được những chi phí kinh doanh nào?

Ông Singh: Cắt giảm chi phí là một đề tài thường xuyên được nhắc tới tại bất kỳ doanh nghiệp nào. Dịch vụ ERP của Oracle chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư và vận hành. Đầu tiên, khả năng tự động hóa các quy trình kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu chị phí, dành khoảng thời gian đó cải tiến và đổi mới trải nghiệm khách hàng. Một khi khách hàng cảm thấy hài lòng với chất lượng dịch vụ, độ trung thành của khách hàng sẽ được tăng lên, trong khi chi phí “lôi kéo” khách hàng mới giảm xuống.

Một lợi ích khác của ERP là do chạy trên nền tảng điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ và hiệu suất của quy trình chuyển đổi mô hình mà không cần lo lắng về những chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ phát sinh.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng cần chú ý hiện nay là tính linh hoạt trong việc mở rộng và nâng cao hệ thống trong tương lai. Với nền tảng điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể lựa chọn những tính năng phù hợp với tình hình kinh doanh lúc đó.

Xin cám ơn ông!

* ERP là phần mềm máy tính tự động hoá các tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản lý toàn diện của doanh nghiệp. Nói cách khác, ERP là Phần Mềm phục vụ tin học hóa tổng thể doanh nghiệp. Đây chỉ là một cách nhìn “dễ hiểu” về khái niệm ERP. Trên thực tế, khái niệm ERP theo chuẩn quốc tế giới hạn trong phạm vi hoạch định nguồn lực, các nguồn lực bao gồm nhân lực (con người), vật lực (tài sản, thiết bị...) và tài lực (tài chính).

Khối lượng công việc trong hoạch định và sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp nên ERP là hệ thống Phần Mềm rất lớn. Rất nhiều các giải pháp ERP chỉ thực hiện các chức năng theo đúng phạm vi này. Tuy nhiên trên thực tế, khái niệm ERP đã được mở rộng rất nhiều trong nhiều giải pháp ERP ngoại và nội. Ví dụ module CRM (quản lý mối quan hệ khách hàng) cũng được tích hợp trong rất nhiều giải pháp ERP quốc tế mặc dù CRM là khái niệm khác so với ERP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng ERP và khả năng triển khai kết hợp trên nền điện toán đám mây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.