Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Cách làm mới, sáng tạo

Hà Phong| 29/01/2020 08:42

(HNM) - 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, việc tuyên truyền luôn được đổi mới phù hợp theo từng nhóm đối tượng. Trong đó, tuyên truyền pháp luật qua ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là cách làm mới, sáng tạo.

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo đưa Chỉ thị 32-CT/TƯ đến với người dân hiệu quả. Trong đó, mô hình tổ dân phố điện tử ngày càng được nhân rộng tại nhiều nơi. Có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) để xác nhận tình trạng hôn nhân, chị Nguyễn Mai Hoa (phường Đức Thắng) khá hài lòng khi được tiếp cận thông tin về những hồ sơ cần chuẩn bị ngay trên mạng qua đường truyền internet tốc độ cao. Sau vài thao tác đơn giản, chị đã hoàn tất thủ tục hành chính một cách dễ dàng.

Không chỉ nhân rộng ở quận Bắc Từ Liêm với 24 tổ dân phố điện tử, tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông - nơi có dân số phát triển ngày càng đông, mô hình này cũng được triển khai mạnh mẽ. Đây chính là sợi dây kết nối để tạo dựng nên những công dân điện tử và xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai.

Ngoài duy trì tổ dân phố điện tử, thành phố Hà Nội đã xây dựng phần mềm cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến tại website https://timhieudichvucong.hanoi.

gov.vn với bộ câu hỏi trắc nghiệm từ lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo đến khai sinh, khai tử và cả phương án gợi ý trả lời, tạo hứng thú đối với mỗi lượt người tham gia, từ đó giúp nhân dân tiếp cận nhiều hơn với các quy định, với dịch vụ công trực tuyến.

Tương tự, tại tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân, cán bộ, công chức sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tuyên truyền pháp luật ngày càng phổ biến. Hiện nay, tất cả cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Long An đều thiết lập trang thông tin điện tử, kịp thời cung cấp tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ở thành phố Hồ Chí Minh, 100% cán bộ, công chức truy cập internet để khai thác tài liệu phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2020, để nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật trong thời kỳ số hóa, thành phố xây dựng phần mềm ngoại khóa tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với quy tắc ứng xử cho học sinh các trường trung học phổ thông dưới hình thức trực tuyến; tuyên truyền trên thiết bị điện tử lắp đặt tại khu chung cư về nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử…

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, đầu tư kinh phí để ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là xu hướng tất yếu. Internet có khả năng số hóa và lưu trữ dữ liệu khổng lồ, vì vậy người dân sử dụng dịch vụ này sẽ tiếp cận được khối lượng thông tin lớn, đa dạng, nhanh, liên tục, góp phần phòng ngừa được tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cũng nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến toàn xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền pháp luật. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các tỉnh, thành phố phát động nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, Bộ và các địa phương sẽ có những kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới từ nội dung đến hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Cách làm mới, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.