Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh: Xóa cảnh xếp hàng chờ đợi

Thu Trang| 18/05/2020 06:10

(HNM) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai khám theo hẹn, đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Không chỉ giảm quá tải, giãn cách người bệnh, việc đặt lịch khám trước qua tổng đài, qua phần mềm của bệnh viện còn giúp người bệnh không còn cảnh xếp hàng chờ khám.

Việc đặt lịch khám qua tổng đài đã tiết kiệm thời gian, đồng thời giảm áp lực cho bệnh nhân và bác sĩ. Ảnh: Trang Thu

Giảm áp lực cho bệnh nhân và bác sĩ

Mắc đến ba bệnh mạn tính, nên trung bình mỗi tháng, bà Dương Thị Nụ (68 tuổi, ở phường Cự Khối, quận Long Biên) phải đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ 1 đến 2 lần. “Trước đây, dù nhà gần bệnh viện, nhưng tôi vẫn phải xếp hàng từ 6h sáng và phải đến trưa, thậm chí có hôm đến chiều mới khám xong. Thế nhưng, từ khi bệnh viện triển khai khám theo hẹn, tôi chỉ phải đến bệnh viện trước 15 phút”, bà Dương Thị Nụ chia sẻ.

Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận khoảng 1.500-1.700 bệnh nhân/ngày, đến tháng 4-2020 giảm còn 600-700 bệnh nhân/ngày và từ tháng 5-2020 số bệnh nhân trung bình là 1.000 người/ngày. Có mặt tại bệnh viện dù vào giờ cao điểm, song theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, khu vực khám bệnh rất thông thoáng. Bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, từ khi thực hiện quy trình khám theo hẹn với mục tiêu giãn cách bệnh nhân để phòng, chống dịch Covid-19, khu khám bệnh đã thưa người hơn. Bệnh nhân đến bệnh viện chủ động theo lịch hẹn, không phải xếp hàng chờ đợi, thời gian khám bệnh cũng được rút ngắn.

Theo khảo sát của Phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), trước đây, với một bệnh nhân kèm theo 2-3 xét nghiệm cận lâm sàng phải mất từ 2,5 đến 3,5 tiếng mới khám xong. Tuy nhiên, từ khi khám theo hẹn với hệ thống gọi tự động (Autocall), thời gian khám của bệnh nhân giảm còn 1,5 tiếng. Đối với bệnh nhân mạn tính, trước đây, họ phải đến bệnh viện chờ đợi từ 5h sáng đến 11h trưa, thậm chí nếu xét nghiệm máu, thì phải chờ đến 14h mới khám xong; nhưng khi khám theo hẹn, chỉ 30 đến 45 phút là có thể ra về.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, 100% người bệnh khi đến khám đều phải đăng ký qua số điện thoại: 1900.6922; qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/, fanpage bệnh viện hoặc tải app vào điện thoại, máy tính thông minh. Nhờ đó, việc đặt lịch khám, xem kết quả xét nghiệm… đều có thể được tiếp cận rõ ràng. “Việc khám theo hẹn tránh được tình trạng khi vắng, khi lại quá tải, giúp công tác phòng, chống dịch, kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện được tốt hơn. Hơn nữa, bác sĩ sẽ chủ động về mặt thời gian để khám cho từng người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ứng dụng đăng ký hẹn khám qua website thời gian qua đã giúp tăng rõ rệt số người đến đăng ký khám, tầm soát ung thư. Theo bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân đặt trước lịch khám chỉ cần đến bệnh viện đúng giờ, không phải chờ đợi. Khi khám theo hẹn, bệnh viện biết được số lượng bệnh nhân để chủ động phân phối nguồn lực, trang thiết bị hợp lý…

Hướng tới bệnh viện thông minh

Bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) khám cho người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để có được kết quả như hiện tại, bệnh viện mất 3 tháng để chuẩn bị. Hiện, bệnh viện triển khai 2 hệ thống phần mềm, gồm: Phần mềm sử dụng trong khám, chữa bệnh thông thường và phần mềm chuyển dữ liệu vào Autocall. Bệnh viện đã đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế sử dụng phần mềm hẹn khám một cách thuần thục. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai khám theo hẹn cũng gặp một số khó khăn khi nhiều bệnh nhân đến khám sai ngày, sai giờ. “Sau 3 tháng triển khai, tỷ lệ khám đúng theo ngày và giờ đạt từ 80 đến 85%”, bác sĩ Nguyễn Đắc Hanh cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện phải thông báo, nếu không đặt lịch trước khi đến viện khám, người mang thai, người bệnh vui lòng liên hệ với nhân viên tiếp đón để được hỗ trợ đặt lịch hẹn vào khám. Nếu người mang thai, người bệnh không đồng ý đặt lịch hẹn khám, bệnh viện có quyền từ chối phục vụ.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc ứng dụng khám theo hẹn đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với việc giảm tải, giãn cách người bệnh. Hiện còn rất nhiều ứng dụng công nghệ được đưa vào bệnh viện, như: Bệnh án điện tử, thanh toán phí không dùng tiền mặt… Thời gian tới, các bệnh viện cần chủ động bố trí nguồn lực để xây dựng, phát triển và duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, không chỉ cung cấp các dịch vụ có chất lượng, tạo thuận tiện cho người bệnh, mà còn bảo đảm minh bạch về giá khám, chữa bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh: Xóa cảnh xếp hàng chờ đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.