Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ukraine chìm sâu trong khủng hoảng

Phương Quỳnh| 09/08/2014 06:52

(HNM) - Nửa năm sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Quảng trường Độc lập (Maidan) ở thủ đô Kiev lại chìm trong khói lửa. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát đêm 7-8, sau khi các công nhân vệ sinh đô thị được trang bị cần cẩu, với sự hỗ trợ của cảnh sát và

Quảng trường Maidan lại chìm trong khói lửa.


Sau khi Tổng thống V.Yanukovych bị lật đổ, nhiều người biểu tình Ukraine tham gia cuộc cách mạng có tên gọi Maidan đã trở về nhà. Tuy nhiên, một số không nhỏ vẫn dựng lều tại quảng trường này để yêu cầu chính quyền giữ lời hứa thực hiện cải cách. Sau khi tỷ phú "chocolate" Petro Poroshenko đắc cử Tổng thống và cựu vô địch quyền Snh Vitaly Klitchko - một nhân vật chủ chốt trong cuộc cách mạng - trở thành Thị trưởng Kiev, các cơ quan chức năng Ukraine đã tìm cách dọn sạch Quảng trường Độc lập mà theo những người dân địa phương đã trở thành phiền toái cho cộng đồng. Nhiều cuộc đàm phán giữa chính quyền Kiev với những người biểu tình đã diễn ra. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại.

Theo các nhân chứng, những người biểu tình đã ném gậy, gạch vào cảnh sát, nhân viên dịch vụ công cộng và lính cứu hỏa, dồn họ ra khỏi Quảng trường Độc lập sang phía Quảng trường Châu Âu. Đã có thương vong từ cả hai phía cảnh sát và người biểu tình Maidan trong cuộc đụng độ. Tiếng súng đã vang lên ở khu vực gần vị trí xung đột giữa các nhà hoạt động Maidan với lực lượng cảnh sát và cứu hỏa. Ít nhất 3 lính của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm Kiev-1 đã bị thương nặng, phải nhập viện. Các nhân viên của tòa thị chính thành phố đã phải sơ tán sau khi có thông báo rằng tòa nhà này có thể bị chiếm giữ. Cảnh sát và các nhân viên cứu hộ vẫn đang phong tỏa hiện trường, không cho phép người bên ngoài tiếp cận, bao gồm cả các phóng viên. Ngay khi vụ việc bùng phát, trên đường phố Kiev đã xuất hiện các xe tăng hạng nặng cùng hệ thống tên lửa phòng không di động.

Bộ Quốc phòng Ukraine từ chối giải thích nguyên nhân. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, không loại trừ khả năng các xe tăng này được sử dụng để trấn áp cuộc nổi dậy trên Quảng trường Độc lập.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin cho biết, các nước phương Tây vừa cản trở một dự thảo tuyên bố do Nga đề xuất tại Hội đồng Bảo an LHQ nhằm ủng hộ lệnh ngừng bắn tại nơi máy bay của Hãng Hàng không Malaysia rơi và yêu cầu Ukraine giải thích công khai về việc tuyên bố lệnh ngừng bắn không còn hiệu lực. Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Donesk tự phong Alexander Borodai vừa đệ đơn từ chức và đề cử ông Alexander Zakharchenko thay thế.

Trong khi đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng tại miền Đông Ukraine sau khi chính phủ nước này ra lệnh chấm dứt lệnh ngừng bắn với lực lượng đòi liên bang hóa tại khu vực gần hiện trường vụ rơi máy bay số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines. Giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và các tay súng ở miền Đông trong một ngày qua đã khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ngày 8-8, lại thêm một máy bay chiến đấu của Ukraine bị bắn rơi tại khu vực hiện do các tay súng ly khai kiểm soát. Theo thống kê mới nhất, kể từ giữa tháng 4 đến nay, khoảng 1.300 người đã thiệt mạng ở miền Đông Ukraine và hơn 4.000 người bị thương.

Ở bên ngoài Ukraine, cuộc "đối đầu chiến lược" giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 8-8, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã cam kết giúp đỡ Ukraine. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và EU cho rằng Mátxcơva đã điều động 20.000 binh sĩ tới sát biên giới với Ukraine và có thể lấy cớ "hoạt động nhân đạo và duy trì hòa bình" để tràn vào Donetsk cũng như các tỉnh miền Đông như đã từng làm với Crimea. Về phía Nga, sau hàng loạt biện pháp trả đũa về thương mại nhằm vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp lo ngại, Mátxcơva có thể áp đặt lệnh trừng phạt sang cả lĩnh vực điện tử, quần áo của các nhãn hiệu phương Tây và mối lo lớn nhất nằm ở "con bài" dầu khí mà Điện Kremlin vẫn chưa sử dụng. Dù biện pháp này sẽ là đòn hy sinh của nền kinh tế Nga nhưng đây cũng là đòn đánh đủ mạnh khiến EU chao đảo, thậm chí lâm vào khủng hoảng năng lượng.

Với những gì đang xảy ra, cùng sự đối đầu giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu xuống thang, cuộc khủng hoảng tại Ukraine khó có thể đi đến hồi kết. Những rối ren kéo dài chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế và chính trị quốc gia bên bờ Biển Đen bị thiệt hại nặng nề và người dân Ukraine phải gánh chịu thêm nhiều khó khăn chồng chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine chìm sâu trong khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.