Theo TASS, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Sergey Shoigu trả lời giới báo chí cho biết, Ukraine vẫn chưa phản hồi các đề xuất hòa bình mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra vào tháng trước.
"Gần hai tháng trôi qua, vẫn chưa có phản hồi", ông Shoigu nói. Theo ông, việc tổ chức hội nghị Geneva về Ukraine, hay “công thức hòa bình Zelensky” hoặc các định dạng khác không có ý nghĩa gì.
"Việc tiến hành đàm phán hòa bình mà không có nhà đàm phán chủ chốt có vẻ hơi kỳ lạ", một quan chức an ninh cấp cao của Nga nói thêm.
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã đề xuất các sáng kiến hòa bình mới để giải quyết xung đột Ukraine. Những điều khoản này bao gồm công nhận Crimea và bốn khu vực mới sáp nhập vào Nga là lãnh thổ của Nga, từ bỏ mọi triển vọng gia nhập liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do phương Tây đứng đầu, tôn trọng tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa cũng như dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông Mikhail Podoliak, Trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin không “thực tế”.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Nga nói với Ukraine, việc Kiev càng trì hoãn tham gia đàm phán hòa bình thì các điều khoản sẽ càng khó khăn hơn đối với người dân nước này.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga cho biết, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đề xuất các điều khoản hòa bình vào ngày 14-6, Ukraine đã mất 420km2 lãnh thổ. "Cơ hội cho Ukraine đang thu hẹp dần", ông phát biểu trên truyền hình quốc gia, đồng thời nói thêm, Kiev đã không phản ứng và sẽ mất thêm lãnh thổ nếu càng trì hoãn.
"Ảo tưởng của chính quyền Kiev rằng châu Âu sẽ sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh hòa bình tốt đẹp khác, nơi mọi vấn đề nội bộ của họ sẽ được giải quyết, đang khiến người dân Ukraine phải trả giá đắt", ông Shoigu nói.
Sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, Nga hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ nước này, bao gồm cả Crimea, khu vực mà Mátxcơva đã chiếm giữ và đơn phương sáp nhập vào năm 2014.
Nga cũng kiểm soát 4 khu vực Đông Nam Ukraine, mà Tổng thống Putin cho rằng với lý do lịch sử và văn hóa, yêu cầu Kiev phải nhượng lại toàn bộ. Theo các nguồn tin quen thuộc, nhà lãnh đạo Nga đã sẵn sàng chấm dứt chiến tranh bằng một lệnh ngừng bắn mà theo đó thỏa thuận phải công nhận các ranh giới chiến trường hiện tại, nhưng vẫn chuẩn bị chiến đấu nếu Kiev và phương Tây không phản ứng.
Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nêu rõ, Kiev đã sẵn sàng đàm phán với điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine - được phần lớn quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận, được tôn trọng hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.