Tại phiên họp diễn ra sáng 21/3, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII diễn ra cuối năm 2011, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việc có thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá theo đề xuất của Chính phủ hay không là một nội dung được nhiều ý kiến trao đổi tại kỳ họp và cả những ý kiến của đại biểu gửi đến cơ quan soạn thảo tính đến ngày 16/3 vừa qua.
Theo dự thảo Luật, đây là quỹ phi lợi nhuận, không lấy từ ngân sách mà được huy động từ nguồn xã hội hóa, sẽ góp phần vào việc phòng chống tác hại thuốc lá. Ngược lại, có ý kiến cho rằng không cần lập Quỹ vì e ngại sẽ chia cắt ngân sách, khó quản lý mà đề nghị tăng ngân sách qua chi thường xuyên cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Tại phiên họp diễn ra sáng nay (21/3), UBTVQH đã chủ trương cần lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá nhưng tổ chức hoạt động của Quỹ phải tinh gọn.
“Muốn tổ chức của Quỹ tinh gọn, hiệu quả thì phải xác định rõ mục đích sử dụng của Quỹ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. Hiện mục đích của Quỹ (tại Khoản 1, 2 của Điều 30) mà dự Luật quy định còn “rộng quá”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật là Bộ Y tế tiếp thu những ý kiến đóng góp của UBTVQH để làm rõ hơn mục đích của việc lập Quỹ. Trên cơ sở đó Quỹ sẽ có một Hội đồng quản lý liên ngành do Bộ Y tế sẽ là cơ quan thường trực và nội dung này cần thống nhất trong Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ.
Về nguồn hình thành Quỹ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội suốt thời gian qua về dự án Luật này đề nghị quy định mức đóng góp là tỷ lệ % tính trên giá bao thuốc lá, mức tối đa không quá 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với việc xử lý vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự Luật cần quy định bước đi thích hợp, nên tập trung cho tuyên truyền ý thức tự giác là chính.
UBTVQH sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự Luật này để trình Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại kỳ họp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.