Theo dõi Báo Hànộimới trên

UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Theo Mỹ Anh| 27/02/2015 16:49

Sáng 27/2, tiếp tục phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó tập trung thảo luận về mô hình tổ chức của Cơ quan điều tra; bổ sung chức danh Trợ lý điều tra…

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Công an phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ, và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tham gia góp ý kiến. (Ảnh: TTXVN)



Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã đang được thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã và không được coi là Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hơn nữa, trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị Công an xã chỉ thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh Công an xã, không nên quy định Công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự thảo Luật.

Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nên đưa bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng chỉ được mức độ nào trong giới hạn cho phép.

Lập luận vấn đề này, ông Ksor Phước cho rằng, quan trọng nhất của cơ quan điều tra là thu thập chứng cứ, nó thể hiện ở 4 nội dung: vật chứng, lời khai, biên bản, tài liệu, trong đó vật chứng là quan trọng nhất để biết người đó có phạm tội hay không? Trong Pháp lệnh Công an xã, một số nội dung chức năng, quyền hạn của Công an xã cũng đã làm một số nội dung của hoạt động điều tra, bảo vệ hiện trường ban đầu, bắt quả tang, lấy lời khai ban đầu của người bị hại và gia đình của người bị hại khi mà cơ quan công an điều tra chưa đến. Những biên bản này là một phần chứng cứ, điều này chứng tỏ công an xã đã tham gia một phần vào công tác điều tra, chưa kể lực lượng này cũng bí mật nắm tình hình tội phạm. Do đó, cần quy định trong Luật công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Về tổ chức của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”. Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa ra những tiêu chí cơ bản, căn cứ xác đáng về việc thành lập các cục, phòng, đội của Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân ở mỗi cấp, để trên cơ sở đó quy định một cách hợp lý, sát với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tội buôn lậu thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Do đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thấy không cần thiết thành lập thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp bộ) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp tỉnh).

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cơ quan soạn thảo đặc biệt lưu ý tinh thần của Hiến pháp 2013, theo đó cần quy định cụ thể quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tuân thủ Điều 31 của Hiến pháp: Một người chỉ được coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án, kết luận của tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, phải bảo đảm người bị buộc tội được coi là không có tội, đây là quyền tự nhiên của họ; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, phân biệt rõ mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra cấp dưới để hạn chế xảy ra oan sai. Ngoài ra, dự thảo cũng cần quy định những biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra đảm bảo quyền tự do cá nhân, nhất là đối với thư tín, điện thoại…

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến khác nhau về chức danh “Trợ lý điều tra”. Một số ý kiến đồng tình bổ sung chức danh Trợ lý điều tra vào trong Luật này vì Trợ lý điều tra có vai trò giúp việc cho Điều tra viên ở Cơ quan điều tra; đồng thời, thực hiện một số công việc trong quá trình điều tra và nhằm tạo nguồn Điều tra viên.

Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành (không có chức danh Trợ lý điều tra), vì cho rằng các thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn điều tra phải được giao cho Điều tra viên và Điều tra viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, còn Trợ lý điều tra không phải là chức danh tố tụng nên không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra. Hơn nữa, bổ sung chức danh Trợ lý điều tra làm tăng biên chế và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.