(HNM) - Tỷ phú Vincent Bollore, một trong những đại gia công nghiệp có tầm ảnh hưởng và nổi tiếng bậc nhất tại Pháp vừa bị chính quyền nước này bắt giữ nhằm phục vụ điều tra tham nhũng và sử dụng giấy tờ giả mạo.
Ông Bollore là người đứng đầu Tập đoàn Bollore, một đế chế kinh tế hùng mạnh của Pháp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ quảng cáo, truyền thông đến xây dựng và vận tải. Do Bollore nắm tỷ lệ lớn cổ phần của Vivendi nên vị tỷ phú này đồng thời nắm quyền kiểm soát Công ty Quảng cáo Havas, Đài Truyền hình thu phí Canal, Công ty Sản xuất trò chơi điện tử Ubisoft và Công ty Sản xuất âm nhạc Universal. Chỉ ít ngày trước khi bị bắt, ông Bollore đã "kịp" từ chức Chủ tịch Điều hành Vivendi. Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp giá cổ phiếu của Bollore ngừng sụt mạnh trên thị trường chứng khoán.
Hiện tỷ phú Bollore đã bị tạm giam ở ngoại ô thủ đô Paris, để làm rõ nhiều nghi vấn, trong đó có cả việc Công ty Truyền thông Havas (được Bollore chuyển giao cho Vivendi năm ngoái) đã cung cấp thông tin và giúp đỡ các lãnh đạo Châu Phi trong các cuộc bầu cử, để đổi lại các hợp đồng khai thác cảng biển Lome ở Togo hồi năm 2010 và cảng Conakry ở Guinea năm 2011.
Hiện tại, Havas đang thuộc quyền điều hành của Yannick Bollore, người con trai sẽ kế thừa sự nghiệp của vị tỷ phú. Bản thân Yannick Bollore cũng đang đối mặt một số tranh chấp và rắc rối pháp lý tại Telecom Italia, công ty viễn thông có 23,9% cổ phần thuộc sở hữu của Vivendi.
Ngoài ra, hai nhân sự cao cấp khác là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bollore Gilles Alix và Jean-Philippe Dorent, người quản lý bộ phận quốc tế của Havas cũng bị bắt giữ với cáo buộc lừa đảo và vai trò đồng phạm trong các vụ hối lộ quan chức nước ngoài. Cơ quan điều tra tội phạm tài chính của Pháp đang tập trung vào dự án về thông tin do ông Dorent thực hiện tại Togo và Guinea.
Hiện tại, cơ quan điều tra đã tìm được bằng chứng về mối liên hệ giữa Chủ tịch Tập đoàn Pefaco có trụ sở tại Barcelona (Tây Ban Nha) Francis Perez với ông Dorent. Nhà chức trách cũng đồng thời tiếp tục xác định xem ông Perez, vốn đang đầu tư nhiều chuỗi sòng bạc và khách sạn tại Châu Phi, có trợ giúp chi nhánh vận tải của Tập đoàn Bollore tại Lục địa đen trong việc giành được hợp đồng khai thác cảng biển Conakry hồi năm 2011 và Lome hồi năm 2010 hay không.
Bên cạnh những rắc rối của Havas, ông chủ Tập đoàn Bollore cũng sẽ bị điều tra về những vi phạm pháp luật của một công ty con khác chuyên về vận tải là SDV Africa tại Châu Phi. Hiện tại, thông cáo chính thức tập đoàn này đưa ra vẫn tuyên bố mọi hoạt động của SDV Africa hoàn toàn minh bạch, đồng thời khẳng định do đã đầu tư vào Châu Phi từ lâu nên việc được ưu đãi quyền khai thác cảng là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên những hoạt động tại Châu Phi của tập đoàn danh giá này bị điều tra. Năm 2016, đại bản doanh của Bollore từng bị cơ quan điều tra Pháp khám xét nhằm điều tra các hành vi liên quan tới việc thâu tóm quyền khai thác các cảng biển ở Tây Phi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.