So với 6 tháng đầu năm, cả nước có thêm 26.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp, nâng con số này lên 225.500 người theo số liệu của Tổng cục thống kê.
Bản tin thị trường lao động quý III/2015 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố hôm 24/12 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, song số người không có việc làm trong lĩnh vực có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng.
Cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp (2,35%), giảm nhẹ so với quý II. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (14 - 24 tuổi) tăng từ 6,7% lên 7,3%, cao hơn 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước, đặc biệt là ở thành thị.
Bản tin cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở nam và nữ, ở khu vực thành thị và nông thôn đều giảm. Song nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Cụ thể, nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,8% lên gần 8%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,8% lên 7,9%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,9%; nâng tổng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp của cả nước lên hơn 225.500 người theo số liệu của Tổng cục thống kê.
"Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là thời điểm sinh viên ra trường. Con số trên cho thấy mặt tốt của đào tạo tuyển sinh nhưng lại là sức ép của thị trường lao động khi lực lượng trên ra trường không thích nghi được để tìm việc làm", bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho hay. Theo bà Hương, sẽ không bất ngờ nếu con số thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng. Điều này phản ánh khả năng "hấp thụ" của thị trường lao động vẫn thấp, đòi hỏi phân luồng trong đào tạo.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển giữa các nhóm ngành khiến cho một số ngành có lao động tăng, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; phân phối điện, khí đốt, khai khoáng. Nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản, kinh doanh bất động sản giảm lao động đáng kể.
Bộ Lao động dự báo, tỷ lệ thất nghiệp cuối năm sẽ giảm xuống mức thấp, nhỉnh hơn 2%. Các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khá cao đối với một số nhóm ngành như: nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, giám sát bán hàng tại các siêu thị, tư vấn tín dụng, đầu tư tài chính...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.