Xã hội

Quy định về bảo hiểm thất nghiệp như “bà đỡ của thị trường”

Thanh Hà 09/11/2024 17:06

Ngày 9-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm tới vấn đề bảo hiểm thất nghiệp…

db-tri-1-.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội). Ảnh: T. Thành

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Xã hội nhận thấy, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, công ăn việc làm ổn định sẽ giúp bảo đảm an sinh xã hội, do đó sửa đổi luật là điều hết sức cần thiết. Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp có nhiều mục đích, quan trọng nhất là bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.

“Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp - đề nghị này rất thách thức nhưng phải cố gắng để thực hiện cho được, Luật này cần có giải pháp để bảo đảm tính khả thi của quy định, tăng số lượng người tham gia để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

db-lo-thi-luyen.jpg
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên). Ảnh: Mai Hồng

Góp ý về quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đề nghị, dự thảo làm rõ hơn việc người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình ở đây là 1% hay bao gồm cả 1% thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Vì thông thường việc đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm tự nguyện thuộc trách nhiệm của người lao động hay người sử dụng lao động đều do kế toán đơn vị trích từ tiền lương chứ người lao động không trực tiếp đi đóng.

db-diem-tra-vinh(1).jpg
Đại Biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: T. Hà

Cũng liên quan đến nội dung bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn Trà Vinh) cho biết, quy định tại Điều 66 dự thảo Luật chưa xác định rõ cơ quan thực hiện nhiệm vụ chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời chưa đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thực hiện từ 1-7-2025). Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung vào Điều 66 và các điều, khoản liên quan của Dự thảo Luật Việc làm theo hướng quy định cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. “Thực tế triển khai cho thấy cơ quan Bảo hiểm xã hội đã và đang thực hiện tốt việc chi trả chế độ về thất nghiệp nói riêng và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nói chung…”, đại biểu Hồng Diễm nói.

Góp ý về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Việt Nam được xác định là một trong những nước xuất khẩu lao động lớn và bên cạnh mặt tích cực, cũng phản ánh thực tế là thị trường việc làm trong nước còn thiếu, chưa đáp ứng đủ việc làm, nguồn thu nhập chưa cao cho người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Việc làm lần này, nên bổ sung xây dựng các chính sách về việc làm hướng tới xây dựng một thị trường việc làm trong nước vững mạnh, phát triển, mở rộng.

db-dung.jpg
Đại biểu Đào Ngọc Dung (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: T. Hà

Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Đào Ngọc Dung (Đoàn Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ thêm một số vấn đề.

Theo đại biểu Đào Ngọc Dung, điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là quy định rõ về quan hệ lao động với các giao kết hoạt động, vì thực tế, người lao động có thể hôm nay làm cho quan hệ lao động này, mai lại thuộc quan hệ lao động khác, nhiều quan hệ lao động khác nhau, các loại hình khác nhau. Do đó, Luật sửa đổi lần này, tập trung đề cập vấn đề này, lượng hóa vấn đề nguyên tắc…

Luật sửa đổi lần này dự thảo quy định tối đa 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp - đây là vấn đề được quan tâm lớn. Vì trong quá trình thực tế, có hiện tượng đối tượng, lĩnh vực được chi bảo hiểm thất nghiệp nhưng thực hiện được rất ít. Chi cho các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển nghề, học nghề trên thực tế có quy định. Như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Thường vụ Quốc hội có thông qua quy định đặc thù, nhưng thực tế triển khai hỗ trợ không thực hiện được. Doanh nghiệp cũng ngại lấy tiền để đào tạo, vì quy định hòi hỏi liên quan số lượng, trong khi kinh phí thấp chỉ 3 triệu/người, mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm toán liên tục nên doanh nghiệp "ngại". “Do vậy, ở lần sửa đổi này, ban soạn thảo cố gắng xây dựng để bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm theo nguyên tắc là “bà đỡ thị trường”, đại biểu Đào Ngọc Dung thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về bảo hiểm thất nghiệp như “bà đỡ của thị trường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.