Số hộ lắp đồng hồ tương ứng số hộ dân sử dụng nước sạch từ nguồn cấp tập trung của Công ty CP Hà Nam mới đạt 40,77%; số hộ được dẫn đường ống đến mà chưa đấu nối sử dụng chỉ chiếm 47,86% - cho thấy nghịch lý ở huyện Phú Xuyên: Nhiều người mong nước sạch từng ngày, song nhiều hộ dân vẫn thờ ơ...
Niềm vui khi nước sạch về thôn, làng
Trước đây, hơn 90% số hộ dân trên địa bàn Phú Xuyên sử dụng nguồn nước mưa và nước ngầm tự khoan cho mục đích sinh hoạt. Đến nay, với sự nỗ lực của thành phố, địa phương, chủ đầu tư, Phú Xuyên cơ bản hoàn thành đầu tư mạng lưới cấp nước sạch tập trung đến 100% xã, thị trấn.
Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, số hộ đấu nối sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp mới chỉ chiếm trên 40% tổng số hộ. Nghịch lý này cho thấy ở Phú Xuyên, bên cạnh nhiều người mong nước sạch từng ngày thì còn nhiều hộ dân vẫn thờ ơ, thăm dò...
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên Dư Anh Hào cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành mạng lưới đường ống cấp nước của 27/27 xã, thị trấn, tương đương 973,534km chiều dài đường ống, đạt 100% khối lượng. Công ty CP nước sạch Hà Nam đã đấu nguồn cấp nước cho 25 xã, thị trấn đủ điều kiện cấp nước; chỉ còn 2 xã: Văn Hoàng và Hồng Minh đang thi công một số hạng mục cuối.
Sau khi dự án cấp nước sạch trên địa bàn được hoàn thành và đấu nối đường ống cấp tới từng hộ dân, gia đình bà Đặng Thị Minh ở xóm 16, thôn Lưu Xá lắp đặt đồng hồ và sử dụng ngay.
Bà Minh chia sẻ: "Gia đình tôi mong từng ngày dự án cấp nước sạch trên địa bàn hoàn thành. Mặc dù phải bỏ khoản lớn kinh phí ban đầu để lắp đồng hồ nước, sửa chữa đường ống, hệ thống trữ nước mới... cho phù hợp nước sạch của nhà máy cấp nhưng gia đình tôi rất vui. So với trước đây phải xây dựng bể lọc, mua lõi lọc mà chất lượng nước không bảo đảm; nhiều thiết bị như bình nóng lạnh, máy giặt, máy lọc nước phải duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, tốn hàng chục triệu đồng. May sao, hiện giờ đã có nước bảo đảm chất lượng, tháng nào dùng nhiều, gia đình tôi cũng chỉ tốn 100.000 đồng".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quyên ở thôn Trung Lập, xã Tri Trung cho hay, từ khi có nước sạch nhà máy cấp, gia đình hài lòng về chất lượng; cảm thấy cuộc sống nông thôn giờ đây đang tiệm cận đô thị, chất lượng đời sống được nâng cao...
Tỷ lệ sử dụng nước sạch vẫn thấp
Qua nhiều lần chậm tiến độ, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan, đến nay, dự án cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Phú Xuyên cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, số hộ dân được lắp đồng hồ tương ứng số hộ dân sử dụng nước sạch từ nguồn cấp tập trung của Công ty CP Hà Nam (không tính mạng lưới cấp nước sạch cũ của thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh) chỉ đạt 26.815 hộ (chiếm 40,77%); tổng số hộ được dẫn đường ống đến (trong ống đã có nước) mà chưa đấu nối sử dụng là 31.484 hộ, chiếm 47,86%.
Theo đánh giá của huyện Phú Xuyên, chất lượng nước được bảo đảm nên khi sử dụng, người dân rất hài lòng. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch tại một số xã trên địa bàn vẫn ở mức thấp: Châu Can (26,78%), Tân Dân (13,38%), Phú Túc (17,02%), Văn Hoàng (10,07%)…
Chia sẻ về lý do chưa lắp đồng hồ, đấu nối sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp, ông Đặng Văn Hùng ở thôn Lưu Xá, xã Phú Túc cho rằng, gia đình vẫn đang dùng nước mưa và nước giếng khoan, chưa có nhu cầu sử dụng nước sạch tập trung.
Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng cho hay, việc sử dụng nước sạch tập trung ở một số địa bàn chiếm tỷ lệ thấp chủ yếu do người dân vẫn sử dụng nước mưa, nước giếng khoan để sinh hoạt; cùng với đó là tâm lý thăm dò, đợi các hộ khác dùng thử...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, những năm qua, các hộ dân sống ven sông Nhuệ bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước rất nặng nề, tỷ lệ nguồn nước ngầm bị nhiễm asen vào loại cao tại các xã: Phú Yên, Châu Can, Vân Từ, Chuyên Mỹ, Hoàng Long, Tân Dân… Việc cấp nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng từ nhà máy có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao chất lượng sống cho người dân. Do vậy, thời gian tới, với các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện sẽ thường xuyên thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc dùng nước sạch để nhân dân các xã, thị trấn ủng hộ...
Chia sẻ về ý nghĩa việc sử dụng nước sạch đối với nâng cao chất lượng đời sống, bác sĩ Nguyễn Kim Ngọc, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho rằng: Nếu nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng thì các biện pháp lọc tại hộ gia đình sẽ khó bảo đảm loại bỏ kim loại nặng như asen. Vì vậy, khi các địa phương có mạng lưới cấp nước sạch tập trung đạt chất lượng, người dân nên hưởng ứng và sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe, tránh các bệnh về da, mắt…
Còn đại diện Công ty CP nước sạch Hà Nam cho biết, tới đây, công ty tiến hành bổ sung, rà soát các tuyến ống chưa có trong thiết kế để hoàn thành việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Phú Xuyên; việc triển khai lắp đặt đồng hồ cấp nước cũng được thực hiện song song. Phía công ty sẽ kết hợp với xã, thôn trong tuyên truyền, vận động người dân đăng ký lắp đặt sử dụng nước. Công ty đặt mục tiêu hằng tháng lắp mới cho hơn 3.000 hộ dân.
Để nâng tỷ lệ số hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch, về phía nhà đầu tư cần hoàn thành nốt các hạng mục tại một số xã và rất cần cơ chế phối hợp với đơn vị thi công hạ tầng khác trên địa bàn. Hiện, cơ chế thông tin, phối hợp giữa các đơn vị thi công hạ tầng với công ty chưa được thực hiện đầy đủ, một số đơn vị không thông báo cho công ty trong việc kết hợp di chuyển đường ống, dẫn đến các tuyến ống của công ty thường xuyên hư hỏng nặng, gây mất nước trên diện rộng, áp lực nước giảm, chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.