Văn hóa

Phú Xuyên nỗ lực gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể

Bạch Thanh 11/09/2023 08:56

Phú Xuyên là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng, trong số đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận tiêu biểu, như: Hò cửa đình - múa hát bài bông ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung; hát trống quân ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến; tiếng lóng ở thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên; hát chèo ở Tri Trung…

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, huyện Phú Xuyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống hiện đại.

vn-pxuyen.jpg
Huyện Phú Xuyên luôn tạo điều kiện cho các câu lạc bộ văn hóa phi vật thể có sân chơi bổ ích thông qua các chương trình giao lưu, biểu diễn...

Phú Xuyên - miền di sản

Về xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên bất cứ thời điểm nào, đều không thể thiếu những chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Từ những tiết mục chèo cổ kinh điển đến những tác phẩm mới mang hơi hướng hiện đại, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Câu lạc bộ chèo xã Tri Trung có 3 thế hệ cùng tương hỗ nhau phát triển. Chị Lê Thị Hài, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo thôn Trung Lập, xã Tri Trung chia sẻ: Câu lạc bộ hoạt động từ nhiều năm nay, với sự ủng hộ, yêu mến của chính quyền và nhân dân trong và ngoài địa phương. Với gần 30 thành viên, mà nòng cốt là học sinh, sinh viên, thanh niên, giáo viên các cấp học và cả các bác nông dân, cán bộ về hưu, người nhiều tuổi cũng đã ngoài 70 tuổi..., tất cả cùng tương hỗ, bồi đắp, gìn giữ tiếng chèo quê hương.

vn-pxuyen4.jpg
Lớp truyền dạy hát chèo ở xã Tri Trung thu hút đông đảo người dân tham gia.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng, ngoài mở các lớp truyền dạy hát chèo, địa phương còn tổ chức các chương trình tọa đàm, hội nghị chuyên sâu, nhằm trao đổi chuyên môn về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Câu lạc bộ chèo thường xuyên được tham gia các chương trình liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của huyện, thành phố… Với sức lan tỏa của câu lạc bộ, đã giúp cân bằng giữa văn hóa hiện đại và truyền thống.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát trống quân xã Phúc Tiến Kiều Thị Mách cho biết, hát Trống quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên, tương truyền xuất hiện từ thời nhà Trần ở huyện Phú Xuyên. Hát trống quân ở thôn Phúc Lâm xưa kia chỉ được cất lên vào những dịp hội làng hay Trung thu. Nay, những ngày lễ, Tết, hội hè hay những dịp gặp gỡ nhau đều được cất lên như một món quà đãi khách quý của người Phúc Lâm. Mỗi khi tiếng hát trống quân vang lên luôn nhận được sự yêu mến, tán thưởng của người dân.

vn-pxuyen5.jpg
Hát trống quân ở xã Phúc Tiến luôn được gìn giữ, phát huy giá trị.

Đối với nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực rất độc đáo, có một không hai trên đất nước ta. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành là một trong số ít những thợ nặn gạo cội luôn đau đáu nỗi niềm lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình bộc bạch: Tò he không chỉ hấp dẫn các em nhỏ, mà cả người lớn, vì sự tinh tế và ý nghĩa nhân văn của sản phẩm. Những nghệ nhân Xuân La đã đem tò he đi khắp cả nước và đi nhiều nước trên thế giới, ở đâu cũng nhận được sự yêu thích, khâm phục của mọi người…

Nỗ lực giữ gìn di sản

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, hầu hết nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản, như: Hát trống quân, hát chèo… đều ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe, chế độ đãi ngộ còn hạn chế. Hoạt động hỗ trợ cho các câu lạc bộ mới chỉ dừng lại ở địa điểm biểu diễn; kinh phí biên soạn, xuất bản tài liệu và mở lớp truyền dạy… chưa có sự quan tâm trên tất cả các mặt.

vn-pxuyen3.jpg
Tọa đàm về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể được các xã trên địa bàn huyện tổ chức thường xuyên.

Nhận thức được việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết, ngày 25-11-2021, huyện Phú Xuyên đã có Kế hoạch số 344/KG-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố….

Hiện tại, huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ kinh phí 30 triệu đồng/câu lạc bộ/năm; đồng thời, bảo tồn và duy trì công tác truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện.

vn-pxuyen2.jpg
Các tiết mục văn nghệ dân gian thường xuyên được tổ chức tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Xuyên.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh, trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, địa phương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều xã, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông. Cùng với đó, công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Qua 3 đợt, huyện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 6 Nghệ nhân nhân dân và 25 Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Từ đầu năm đến nay, huyện Phú Xuyên đã mở được 7 lớp truyền dạy hát chèo, trống quân, ca trù, hò cửa đình, múa bài bông, và trong những tháng cuối năm nay, huyện tiếp tục mở các lớp truyền dạy nặn tò he.

Với niềm đam mê của các nghệ nhân, sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương…, hy vọng các giá trị văn hóa phi vật thể của Phú Xuyên sẽ được gìn giữ, bảo và ngày càng lan tỏa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên nỗ lực gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.