Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng Hà Nội là hơn 5%

Thủy Hương| 24/01/2013 18:26

(HNMO)-Chính xác là chiếm 5,04%/tổng dự nợ, tăng 1,63% so với cuối năm 2011. Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Nội 2013 diễn ra ngày 24-1.


Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến 31-12-2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 896.884 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cuối năm 2011; trong đó nguồn vốn huy động thị trường I (dân cư và các tổ chức kinh tế) đạt 849.167 tỷ đồng, tăng 16,61%, tiền gửi VND và tiền gửi USD có tốc độ tăng tương ứng là 21,27% và 3,44%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39%. Dư nợ tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu...

Như vậy, tín dụng và huy động trên địa bàn thành phố có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động từ dân cư vẫn chủ yếu là kỳ hạn ngắn (kỳ hạn 3-4 tháng), nguồn vốn trung và dài hạn còn hạn chế, gây khó khăn trong quản trị vốn của TCTD, đặc biệt là TCTD có quy mô nhỏ, khó đảm bảo cân đối kỳ hạn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kỳ hạn, theo ông Nguyễn Văn Hưng- Phó Giám đốc kiêm Chánh Thanh tra- Giám sát NHNN Hà Nội.

Đáng chú ý, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Đến cuối năm 2012, nợ xấu chiếm 5,04%/tổng dư nợ, tăng 1,63% so với cuối 2011.

Về lợi nhuận, hầu hết các TCTD hoạt động kinh doanh có lãi nhưng mức lãi giảm khá mạnh so với cuối năm 2011, giảm 28,1%).

Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, trong năm 2013, NHNN Chi nhánh Hà Nội sẽ chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tín dụng tăng trưởng ngay trong quý I/2013, đảm bảo tăng trưởng tín dụng của địa bàn khoảng 12-14% so với cuối năm 2012.

Cũng trong năm 2013, NHNN Chi nhánh Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra tại chỗ theo kế hoạch, giám sát chặt chẽ để kịp thời cảnh báo sớm các rủi ro đối với các TCTD; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản và các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện lộ trình cơ cấu lại các TCTD theo lộ trình và triển khai quyết liệt các biện pháp giải quyết nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng Hà Nội là hơn 5%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.