Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyệt chiêu đối phó với những khó chịu khi có bầu

Theo VNE| 25/10/2012 15:18

Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, và tiến sĩ Lê Thị Hải của Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ một số cách giúp chị em cảm thấy thoải mái trong thai kỳ:

Nôn, buồn nôn, đau lưng, bị chuột rút... là phản ứng sinh lý thường gặp của chị em khi có bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Có những người hiện tượng này chỉ thoáng qua, nhưng với một số người nó thực sự gây khó chịu.

1. Buồn nôn, nôn

Nếu hay bị nôn vào sáng sớm thì khi thức giấc, bạn không nên vội trở dậy mà nằm yên trên giường và ăn nhẹ. Để giảm nôn, thai phụ nên ăn một ít bánh quy, nhất là loại có vị gừng ngay khi vừa ngủ dậy, sau khi ăn khoảng 10 phút thì mới ra khỏi giường.

Trong suốt thai kỳ nên tránh hơi thuốc lào, thuốc lá, tránh cãi lộn hoặc những tình huống gây ức chế thần kinh.

Ngoài ra thai phụ cũng cần lưu ý:

- Thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn, tránh ăn các thức ăn có mùi làm bạn khó chịu.

- Đừng để quá đói hoặc ăn quá no, cả 2 trạng thái này đều làm dạ dày khó chịu, dễ gây buồn nôn.

- Ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi lần một ít.

- Khi ăn cơm không nên chan canh (hoặc giảm lượng canh tới mức tối thiểu).

- Không ăn quá nhiều đồ mỡ hoặc gia vị.

- Có thể dùng gừng để làm giảm cảm giác buồn nôn. Đa số phụ nữ mang thai không tránh khỏi cảm giác buồn nôn khó chịu. Chỉ cần dùng 250 mg gừng khô hoặc 1g gừng tươi, dùng 3-4 lần trong ngày hoặc ăn bánh quy có vị gừng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này.


2. Bị chuột rút

Bạn hãy duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân, cơ sẽ duỗi ra. Muốn tránh bị chuột rút, bạn đừng đứng hay ngồi hoặc nằm quá lâu một tư thế.

Đây cũng là một biểu hiện của thiếu canxi trong máu. Lúc này, bạn nên chú ý đến chế độ ăn, đảm bảo có đủ các thực phẩm giàu canxi như: sữa, các chế phẩm của sữa, bánh quy có bổ sung canxi để đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể 1.000-1.200mg canxi/ngày.

3. Khó tiêu, đầy bụng, táo bón

Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như: rau, quả chín, chọn các thực phẩm có bổ sung chất xơ. Tránh các chất cay nóng, đồ hộp, đồ uống có ga. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ.

4. Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng

Các hoạt động cơ thể như: đi bộ, bơi lội… sẽ giúp bạn hạn chế tăng cân quá mức và giúp bà mẹ sinh con dễ dàng hơn. Tuy nhiên bạn nên lưu ý tránh các động tác cúi gập bụng, những động tác có nguy cơ gây ngã.

5. Đau lưng


Cần thường xuyên thay đổi vị trí, tư thế vì việc ngồi hay đứng lâu đều gây đau lưng. Không nên đi giày hoặc dép cao gót.

6. Phù bàn chân và mắt cá chân

Nên ăn uống hợp lý và uống nhiều nước, không nên ăn mặn quá. Khi nằm ngủ, bạn hãy gác chân lên cao. Nếu thấy phù nhiều thì nên đi khám thai và xét nghiệm nước tiểu để có hướng xử lý thích hợp.

7. Hoa mắt, chóng mặt

Không ngồi dậy hoặc đứng lên một cách đột ngột mà vận động từ từ để não khỏi thiếu máu.

Triệu chứng này cũng cho thấy bạn đã bị thiếu máu do thiếu sắt. Hãy tăng cường các thực phẩm giàu sắt như: thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ và nên ăn thực phẩm có bổ sung sắt (như bánh quy, nước mắm giàu sắt), uống viên sắt đều đặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyệt chiêu đối phó với những khó chịu khi có bầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.