(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào những thời điểm “vàng” để tuyển sinh đối với giáo dục nghề nghiệp, khiến kết quả đạt được không như kỳ vọng. Nhằm bổ sung lực lượng lao động qua đào tạo cho thị trường, các bên liên quan đang triển khai nhiều giải pháp tuyển sinh, đào tạo linh hoạt, thích ứng với tình hình mới để đạt chỉ tiêu đề ra.
Gặp nhiều khó khăn
Hằng năm, hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thường tập trung vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đối với người học nghề trình độ sơ cấp (3 tháng, dưới 6 tháng); vào cuối tháng 5 và tháng 6 đối với hệ trung cấp, cao đẳng dành cho nhóm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học văn hóa trung học phổ thông song song với học nghề (hệ 9+). Đặc biệt, cuối tháng 7 và tháng 8 là thời kỳ cao điểm tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn con đường học nghề.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, những thời điểm “vàng” kể trên đều là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến việc tổ chức tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) Phạm Quang Vinh cho biết, với lợi thế trụ sở đặt ở khu vực có nhiều doanh nghiệp hoạt động, nên những năm trước, nhà trường luôn có nguồn đầu vào dồi dào. Thế nhưng, năm nay, dù đã rất nỗ lực tư vấn tuyển sinh, song đến thời điểm này, nhà trường mới tuyển được 300 chỉ tiêu, bằng 30% kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít người đã tạm gác kế hoạch học nghề để tham gia lao động. Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Do đang gặp một số khó khăn bởi dịch bệnh nên tôi tạm dừng kế hoạch học nghề cơ khí để nhận vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho một cơ sở kinh doanh gần nhà. Tôi sẽ xem xét việc học nghề khi cuộc sống ổn định hơn”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố mới tuyển được gần 54.000 người học nghề, đạt khoảng 24% kế hoạch năm 2021. Trên phạm vi cả nước, kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cũng không khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tuyển sinh được 645.000 người, đạt 27,2% kế hoạch năm, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là, số người đăng ký tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng mới đạt 7,5% so với kế hoạch, tương ứng với hơn 45.000 người đăng ký học. Trong tháng 7, hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tuy sôi động hơn, nhưng chưa có sự đột phá...
Chủ động các giải pháp
Trên thực tế, dù thị trường việc làm bị ảnh hưởng sâu do dịch Covid-19, song người lao động qua đào tạo vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Theo Navigos Group - Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam (đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks), thị trường lao động ở nước ta đang cần tuyển nhân sự cho các ngành, nghề đòi hỏi người lao động có kỹ năng nghề cao, như: Dữ liệu (Big Data), thiết kế, chuyển đổi số... Đại đa số doanh nghiệp sản xuất cũng cần và ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề.
Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam Nguyễn Hương Lan thông tin: “Chúng tôi đang tuyển dụng hàng nghìn vị trí công việc khác nhau. Từ thực tế ở công ty cho thấy, nếu người học chủ động trang bị kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, tin học văn phòng... sẽ rộng mở cơ hội việc làm”.
Trước những đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài, các bên liên quan đã chủ động tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc tuyển sinh bằng nhiều giải pháp linh hoạt.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho hay: "Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm tư vấn tuyển sinh, tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển trực tuyến. Nhờ vậy, đến nay, nhà trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu hệ 9+".
Tăng cường tuyển sinh trực tuyến, đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh giữa các ngành, nghề, hệ đào tạo, liên kết với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, bảo đảm đầu ra cho người học, nhiều trường đã đạt kết quả khả quan trong tuyển sinh. Đến nay, Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội cơ bản tuyển đủ thí sinh; Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội tuyển sinh đạt hơn 50%...
Một điểm thuận lợi nữa để thu hút người học nghề trong thời gian tới là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, trong đó sẽ có nhiều lao động ở các địa phương thuộc diện hỗ trợ kinh phí đào tạo để duy trì việc làm. Tại Hà Nội, dự kiến có hơn 1 triệu lao động đủ điều kiện hưởng chính sách này, đây sẽ là nguồn dồi dào cho các trường nghề nắm bắt cơ hội để tuyển sinh.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục sẽ ký kết nhiều chương trình hợp tác đào tạo với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài để thu hút người học nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, góp phần giúp các nhà trường chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề…
Còn tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, Sở định hướng các quận, huyện, thị xã ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu học nghề; khuyến khích các nhà trường tổ chức tuyển sinh theo hướng linh hoạt, thích ứng với tình hình hiện nay...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.