(HNM) - Nhiều trường đại học (ĐH) đang lên phương án tuyển sinh năm 2017 và sẽ chính thức công bố sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH.
Được đăng ký nhiều nguyện vọng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm 2017, các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) sẽ có nhiều lựa chọn phương thức để tuyển sinh: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Hạn chế số lượng thí sinh “ảo” được đặc biệt quan tâm trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2017. Ảnh: Viết Thành |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình của cả 3 lớp cấp THPT. Với cách tổ chức thi như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh.
Đối với một số trường có tính đặc thù về năng khiếu, thuộc nhóm nghiên cứu hoặc những trường yêu cầu tuyển sinh với mức độ cao thì có thể đưa ra phương án tổ chức thi riêng hoặc sử dụng thêm các hình thức khác để tuyển chọn thí sinh.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh tham gia dự thi theo nhóm này chiếm số lượng nhỏ, không đến hàng triệu thí sinh như kỳ thi THPT quốc gia nên sẽ nhẹ nhàng, không quá tải đối với thí sinh cũng như nhà tổ chức.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trong phương án thi tuyển sinh, năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng. Bộ sẽ xây dựng phần mềm xét tuyển chung để hỗ trợ các trường hạn chế số lượng thí sinh “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: Xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông…
Mở rộng nhóm để giảm “ảo”
Trao đổi về phương hướng tuyển sinh 2017 của nhóm GX, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhóm GX dự kiến vẫn tiếp tục tuyển sinh riêng, dựa trên kết quả thi THPT quốc gia như năm 2016.
Nhóm GX gồm 12 trường đại học và học viện trong khu vực Hà Nội cùng thực hiện một phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT thông qua. Cụ thể gồm các trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thủy lợi, Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Thăng Long, Học viện Chính sách phát triển, Giao thông - Vận tải, Mỏ - Địa chất, Công nghiệp Hà Nội.
Với ưu thế nổi bật là có thể hạn chế thí sinh "ảo", tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký dự tuyển cho thí sinh, đa số các trường thuộc nhóm GX đều thống nhất duy trì nhóm trong đợt tuyển sinh năm 2017. Mặc dù năm 2016, tỷ lệ thí sinh "ảo" chung của nhóm GX chỉ vào khoảng 30%, thấp hơn dự kiến, nhưng theo ông Trần Văn Tớp, các trường vẫn muốn giảm tiếp số thí sinh "ảo" trong kỳ tuyển sinh tới.
Bên cạnh việc dùng nguyên tắc tuyển sinh chung của nhóm GX, các trường thành viên vẫn hoàn toàn có thể tổ chức thêm các phương thức tuyển sinh riêng. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, trường sẽ đưa ra một số tiêu chí tuyển sinh riêng như: Sử dụng kết quả trung bình bậc phổ thông của các thí sinh, đặc biệt là kết quả lực học lớp 12 phải đạt từ 6,5 điểm trở lên, có hạnh kiểm khá trở lên. Việc xét tuyển sẽ theo những tổ hợp môn thi cũ, đồng thời trường nghiên cứu thêm một số tổ hợp mới để phù hợp với phương án của Bộ và những ngành mà trường đào tạo.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa ra phương hướng tuyển sinh năm 2017. Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo triển khai phương thức thi đánh giá năng lực năm 2017 cho nhà trường cùng 20 đơn vị bên ngoài với quy mô mở rộng trên cả nước.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm: "Trong công tác tuyển sinh năm 2017, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn thông qua việc rà soát, bổ sung số lượng, chất lượng câu hỏi của ngân hàng đề thi, gia tăng tính chất đánh giá năng lực của bộ đề và tăng cường yếu tố bảo mật đề thi, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm cho việc thi và xét tuyển".
Theo lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị này sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị ngoài trường, nếu có mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để phục vụ tuyển sinh của các trường trong năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.