Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ cán đích cuối năm 2015

Lan Hương| 09/09/2014 16:03

(HNMO) – Chiều 9/9, trong buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Quyền TGĐ BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông khẳng định dự án gần 1 tỷ USD này có thể hoàn thành vào cuối năm 2015 dù khối lượng thi công còn lớn và mặt bằng chưa được bàn giao hết.

do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Quyền TGĐ BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông khẳng định dự án gần 1 tỷ USD này có thể hoàn thành vào cuối năm 2015 dù khối lượng thi công còn lớn và mặt bằng chưa được bàn giao hết.

Mặt bằng còn vướng tại quận Hà Đông và Đống Đa

Trong vấn đề nóng là công tác GPMB, hiện dự án còn vướng tại hai quận là Hà Đông và Đống Đa. Theo đó, tại quận Hà Đông còn 13 ngôi mộ chưa cải táng, chưa được di dời (dự kiến phải hoàn thành trong tháng 9/2014). Bên cạnh đó, tại quận Đống Đa còn vướng mắc khá nhiều. Đó là tại ga Cát Linh còn 37/54 hộ dân phường Cát Linh và 18/18 hộ phường Ô Chợ Dừa chưa nhận tiền GPMB. Ở ga La Thành còn 3 hộ gia đình và 5 tổ chức đã nhận tiền đền bù, dự kiến đến ngày 10/9 quận Đống Đa sẽ bàn giao lại mặt bằng cho BQLDA Đường sắt. Mặt khác, đoạn qua khu dân cư phường Thịnh Quang hiện còn 5/60 hộ dân chưa nhận tiền do không đồng thuận phương án đền bù; 9/60 hộ đã nhận tiền nhưng chưa di dời.

Ngoài ra, về việc di dời hạ tầng kỹ thuật và chặt hạ cây xanh của Sở Xây dựng, hiện còn tồn tại đường dây diện 110 KV đoạn La Thành – Trạm biến áp Thành Công chưa được hạ ngầm…Hạ tầng kỹ thuật chân cầu thang các nhà ga và đoạn đường tránh QL 6 chưa xong việc di dời…

Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Hùng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Đống Đa, Hà Đông và Sở Xây dựng đẩy nhanh công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dứt điểm trong tháng 9/2014 như chỉ đạo của UBND TP và Bộ GTVT đã đưa ra.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền TGĐ BQLDA Đường sắt trả lời các thông tin về đường sắt Cát Linh - Hà Đông.


Dự án sẽ không tiếp tục bị đội vốn?

Trao đổi về tiến độ thi công dự án, ông Hùng cho biết, các nhà thầu đã tập trung thi công tại tất cả các khu vực có mặt bằng, đến nay đã hoàn thành 299/419 trụ cầu (bằng 71,3%), hoàn thành thi công kết cấu trụ cầu của 7/12 nhà ga: La Thành, ĐH Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Bến xe Hà Đông, La Khê.
Hiện các đơn vị đang triển khai thi công 3 nhà ga: Thái Hà, ga Láng, ga Văn Khê; và thi công kết cấu phần thân của 7 nhà ga nói trên. Bên cạnh đó đang thi công các trụ, nhánh ra vào khu depot; thi công các dầm đúc được 317/806 phiến.

BQLDA dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ thi công xây lắp các trụ cầu vào cuối quý I/2015; hoàn thành các nhà ga vào quý III/2015. Hoàn thành công tác đúc và lao dầm vào tháng 5/2015; cầu sông Nhuệ vào đầu tháng 2/2015. Hoàn thành toàn bộ công tác thi công xây lắp depot vào đầu quý III/2015.

Tại buổi giao ban, nhiều phóng viên chất vất ông Hùng về tiến độ dự án liệu có khả thi khi thời gian đến đích không còn nhiều trong khi mặt bằng vẫn còn vướng, và khối lượng thi công còn nhiều? Bên cạnh đó, các nhà báo cũng bày tỏ quan ngại khi dự án đã đội vốn quá nhiều, gây sóng gió dư luận trong thời gian qua (dự án được điều chỉnh lên 891,92 triệu USD, tăng thêm 339,06 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu)… chỉ trên 13,05 km đường sắt.

Trả lời những câu hỏi trên, ông Hùng cho biết, hợp đồng vay vốn thực hiện dự án được đối ứng từ phía Chính phủ Trung Quốc. Dự án tăng vốn do nhiều nguyên nhân như: xây dựng nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng; bổ sung hạng mục depot; mở rộng đường tránh Quốc lộ 6; thay đổi vỏ tàu sang inox để không phải sơn; đào tạo chuyển giao công nghệ; thay đổi phương án lao lắp dầm; dự án triển khai chậm chi phí mặt bằng tăng; trượt giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD… Ông Hùng nêu rõ chi phí thực hiện dự án đã được tính toán kỹ đến khi hoàn thành và sẽ không thể tăng thêm nữa.

Về tiến độ thi công, ông Hùng khẳng định sẽ đảm bảo đạt được. Trong Hiệp định khung đã thỏa thuận nhà thầu thi công là Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Việc quản lý thi công là người Trung Quốc còn toàn bộ lao động là người Việt Nam. Tháng 9 này, BQLDA sẽ đưa 37 người đi học lái tàu tại Trung Quốc. Ông Hùng cũng mong sớm thành lập DN vận hành khai thác để phối hợp với BQLDA Đường sắt trong quá trình đào tạo nhân lực quản lý vận hành khai thác.

Ngoài ra, ông Hùng cũng bày tỏ, trong quá trình thực hiện dự án không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân tại các vị trí công trường xây dựng. BQLDA mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của nhân dân TP Hà Nội để dự án sớm đưa vào hoàn thành khai thác, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ cán đích cuối năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.