Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tường thuật phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội

H.V - T.Hoa| 05/12/2012 08:14

(HNMO) – Ngày 5/12, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV bắt đầu với người đăng đàn đầu tiên là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh, trả lời về nhóm vấn đề quản lý đất đai, dự án.

(HNMO) – Ngày 5/12, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã bắt đầu. Trước khi chất vấn trực tiếp, HĐND Thành phố đã nghe Thường trực HĐND Thành phố báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố và thông báo nội dung chất vấn.

Qua tổng hợp, các ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp này của HĐND Thành phố chủ yếu xoay quanh các nhóm vấn đề về việc quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đền bù khi thu hồi đất; quản lý đô thị; y tế, giáo dục, văn hoá; chế độ, chính sách; hoạt động của chính quyền, đoàn thể cấp thôn, xã; đầu tư cho nông thôn và xây dựng nông thôn mới...

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành


Dựa trên những kiến nghị này và các ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND Thành phố gửi tới kỳ họp, HĐND Thành phố đã quyết định thực hiện việc chất vấn với Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Sáng quanh 4 nhóm vấn đề: quản lý đất đai, dự án; quản lý trật tự xây dựng, đô thị; xây dựng chính quyền; văn hóa xã hội.

Tiếp đó, HĐND Thành phố đã nghe Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, thay mặt UBND Thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kết luận của Chủ tịch HĐND Thành phố tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội.Báo cáo đã trả lời 21 vấn đề đã được kết luận tại kỳ họp trước, trong đó có việc quy hoạch và quản lý đầu tư khai thác, sử dụng một số công viên và hồ; việc quản lý nhà chung cư; tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; xử lý các sai phạm tại các dự án khu đô thị, trong đó có sai phạm về mật độ xây dựng; tình hình và kết quả tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố 10 tháng đầu năm 2012; việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, đảm bảo tiến độ dự án một số dự án giao thông trọng điểm của Thành phố; kết quả xử lý, thu hồi đất đối với các dự án có sử dụng đất chậm triển khai theo quy định…

Chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn, đăng đàn đầu tiên là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh. Phó Chủ tịch trả lời về nhóm vấn đề quản lý đất đai, dự án...

(cập nhật lúc 9h49)
Không có chuyện với dân thì làm nặng, doanh nghiệp thì làm nhẹ

Trước khi bước vào trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường, ông Vũ Hồng Khanh đã trả lời 2 nội dung các đại biểu gửi tới chất vấn về nhóm vấn đề này.

Về việc các dự án đã được giao đất nhiều năm nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí, ông Vũ Hồng Khanh thừa nhận, đây là thực trạng bức xúc trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh báo cáo trước kỳ họp. Ảnh: Viết Thành


Từ năm 2009 đến nay, UBND TP đã có 2 kế hoạch tổng thể, trong đó xác định 6 nhóm giải pháp khắc phục, đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng hiệu quả; thanh tra, xử lý các đơn vị có vi phạm.

Qua thực hiện, đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra 882 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã phát hiện gần 780 tổ chức vi phạm và đã giúp 511 tổ chức tự khắc phục vi phạm; giúp 132 tổ chức tháo gỡ khó khăn về GPMB; xử phạt hành chính hơn 100 tổ chức; xử lý thu hồi đất của 45 tổ chức với hơn 828ha.

Đáng chú ý, về hơn 828ha đất đã có quyết định thu hồi, Phó Chủ tịch cho biết, phần diện tích này nằm trong 38 quyết định thu hồi đất của Thành phố từ năm 2009-2012, trong đó có 17 quyết định đã thực hiện xong. Một số trường hợp hoàn thành thu hồi đã được dùng để xây dựng trường học, trụ sở làm việc, còn lại giao cho các quỹ quản lý đất, các địa phương… lên phương án sử dụng đất hiệu quả.

Phó Chủ tịch cho biết, thời gian tới, UBND TP chủ trương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt 6 nhóm giải pháp, trong đó vẫn tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là về GPMB, thủ tục hành chính; quan tâm đặc biệt đến vấn đề thực hiện quy hoạch; tập trung rà soát tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị được gia hạn, nếu sau thời gian gia hạn mà thực hiện tốt thì sẽ được tạo điều kiện để đưa đất vào sử dụng, nhưng nếu không khắc phục được thì kiên quyết thu hồi đất.

Đối với DN Nhà nước, Thành phố tập trung thúc đẩy nhanh việc sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; thanh tra, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của luật đặc biệt là những vấn đề về tài chính; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật liên quan đến sử dụng đất, hỗ trợ DN…

(cập nhật lúc 10h14)
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh: "Nhiều câu hỏi vượt quá khả năng trả lời”

Là người đầu tiên chất vấn với Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, đất đai là lĩnh vực khó, là nguồn lực quan trọng. Tuy nhiên, các giải pháp của UBND vừa nêu mới chỉ là “giao việc”, chưa rõ thời gian hoàn thành, nhất là với những công việc cần hoàn thành trong thời gian trước mắt. Đại biểu cũng chất vấn Phó Chủ tịch về tiến độ tiếp nhận một số dự án tại các xã thuộc tỉnh Hòa Bình cũ đã được hợp nhất về Hà Nội; việc “xé rào” về thủ tục trong giao đất thuộc Dự án công viên Hồ điều hòa Nhân Chính cho chủ đầu tư Megastar; việc chậm triển khai Dự án nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn. Ảnh: Viết Thành


Trả lời đại biểu Mai, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, trong các văn bản về kế hoạch thực hiện các giải pháp xử lý đất hoang hóa của UBND TP đều có thời gian quy định cụ thể và UBND Thành phố cũng có giao ban định kỳ và đột xuất với các đơn vị để kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Về 2 dự án được đại biểu Mai nêu, Phó Chủ tịch cho biết, vướng mắc chung là đều vướng quy hoạch. Cụ thể, với dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, hiện nay, về mặt pháp lý, UBND TP giao cho UBND quận Thanh Xuân tiến hành GPMB theo quy hoạch, Megastar nghiên cứu quy hoạch lập dự án vì đây là dự án phải báo cáo HĐND. Hiện đã nhận được ý kiến của Phó Thủ tướng thực hiện kết luận của thanh tra Chính phủ. Với các dự án thuộc tỉnh Hòa Bình cũ, Hà Nội đã tiếp nhận đầy đủ hồ sơ về địa chính, nhưng các dự án này cũng đang chờ quy hoạch phân khu để quyết định dự án nào ddwwocj làm tiếp, dự án nào phải dừng.

“Đúng là những dự án này đang chậm triển khai, UBND TP sẽ rút kinh nghiệm”, Phó Chủ tịch nói.

Cùng quan tâm đến việc xử lý các dự án để đất hoang hóa, lãng phí, đại biểu Nguyễn Hoài Nam ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP trong xử lý các dự án vi phạm. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là trách nhiệm của các sở tham mưu cho Thành phố, năng lực chủ đầu tư…

“Khi thu hồi đất của dân phục vụ cho doanh nghiệp triển khai dự án thì chúng ta làm kiên quyết, quyết liệt, nhưng khi các dự án vi phạm pháp luật thì thu hồi lại khó, phải chăng có vấn đề gì?”, đại biểu Nam đặt vấn đề.

Tái chất vấn Phó Chủ tịch, đại biểu Mai cũng thẳng thắn phát biểu rằng “chưa thỏa mãn” với câu trả lời của Phó Chủ tịch bởi chưa rõ trách nhiệm, hướng xử lý, thời gian hoàn thành. Đại biểu Mai cũng đồng tình với nhận xét của đại biểu Nam về việc xử lý chậm các dự án để đất hoang hóa, lãng phí. Theo bà, nếu Thành phố không kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm thì sẽ khó cho chính Thành phố khi triển khai các dự án khác trong tương lai.

“Khâu quy hoạch của Thành phố, không chỉ dân sốt ruột, chúng ta cũng sốt ruột vì nhiều diện tích đất vàng của Hà Nội đang bị hoang hóa vì vướng quy hoạch. Với số lượng quy hoạch nhiều như vậy và tốc độ lập quy hoạch chậm thì đến bao giờ chúng ta mới phê duyệt được quy hoạch để tháo gỡ cho các dự án hiện đang phải dừng để chờ quy hoạch?”, bà Mai đặt tiếp câu hỏi cho Phó Chủ tịch.

Việc chậm lập quy hoạch, chậm xử lý các chủ đầu tư chậm triển khai dự án cũng là vấn đề được các đại biểu Nguyễn Xuân Diên, Trần Thị Vân Hoa, Trần Thị Thanh Nhàn, Trần Văn Khương nêu câu hỏi chất vấn.

Trước rất nhiều câu hỏi và vấn đề được chất vấn, tái chất vấn, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, trong các câu hỏi này, có “nhiều câu vượt quá khả năng trả lời” của ông.

Trong phạm vi phụ trách của mình, Phó Chủ tịch cho biết, nguyên nhân tình trạng dự án để hoang hóa cơ bản là do trách nhiệm của chủ đầu tư, có một số đơn vị không gương mẫu, vi phạm pháp luật; chưa có đầy đủ các quy hoạch; một số đơn vị, địa phương còn khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về đất đai…

“Không phải UBND TP không dám làm và không quyết liệt làm. Chúng tôi luôn chỉ đạo rằng, tất cả các dự án vi phạm pháp luật đều phải xử lý. Trong số hơn 800 ha đất được thu hồi, có những dự án cũng rất phức tạp, nhưng đã vi phạm thì vẫn phải xử lý. Chúng tôi khẳng định, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện, còn có lúc, có nơi, có địa phương, việc quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa tốt. Thành phố đã có kiểm điểm, thanh tra, kiểm tra với những địa phương, cán bộ vi phạm”, Phó Chủ tịch nói.

Về lập quy hoạch, Phó Chủ tịch biết, do có thời kỳ hợp nhất Hà Nội và Hà Tây và một số địa phương khác nên sau khi hợp nhất, yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng quy hoạch. Đến tháng 7/2011, Hà Nội đã có quy hoạch chung và hiện đang xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, chi tiết… Theo quy định của luật, phải có quy hoạch thì mới xác định được các dự án nào được triển khai tiếp, các dự án nào phải dừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

“Để xử lý nhanh hơn các dự án chậm triển khai thì giải pháp quyết liệt hiện nay là tập trung xây dựng quy hoạch. Đã có một số quy hoạch hoàn thành và đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch lâu nhưng là giải pháp không thể khác được”, Phó Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch cũng khẳng định, nước ta đang trong thời kỳ khó khăn về kinh tế, những trường hợp chủ đầu tư được gia hạn để khắc phục những nguyên nhân bất khả kháng đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

“Với các doanh nghiệp và người dân, UBND TP không có quan điểm với dân thì làm nặng, doanh nghiệp thì làm nhẹ. Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý, nhưng phải xử lý từ thấp đến cao, không thể xử lý cao hơn vi phạm của họ được. Các quận, huyện nào bao che, bảo kê, dung túng cho các doanh nghiệp vi phạm thì Thành phố sẽ kiên quyết xử lý”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Tham gia giải trình thêm về nội dung quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch Nguyễn Văn Hải cho biết, các quy hoạch phân khu của Hà Nội đang được tập trung chỉ đạo làm quyết liệt trong năm nay. Hà Nội có 38 đồ án phân khu chi tiết, gộp lại còn 34 đồ án, trong đó có 31 đồ án giao cho các quận, huyện lập, 3 đồ án đặc biệt quan trọng giao cho Bộ Xây dựng lập.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, năm nay, 17 dự án quy hoạch phân khu nằm ở đông vành đai 4, chủ yếu thuộc địa bàn Hà Tây cũ, và phía bắc sông Hồng đã cơ bản hoàn chỉnh xong. Trong số này, có 5 đồ án đã được Thành phố phê duyệt, còn lại các đồ án khác đang được trao đổi, thống nhất ý kiến trước khi phê duyệt.

“Việc phê duyệt 17 dự án này có chậm nhưng không hề chậm về khâu thông tin quy hoạch”, ông Hải cho biết.

Về quy hoạch chung của các quận, huyện, theo Giám đốc Sở, Thành phố đã giao trực tiếp cho các quận, huyện làm chủ đầu tư. Đến nay, 14 quận, huyện đã cơ bản làm xong toàn bộ quy hoạch chung, trong đó 12 quận, huyện đã xin ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh, chờ thẩm định. Thông tin về các dự án nằm trong các quy hoạch này có thể được cung cấp đầy đủ khi được hỏi.

Sai lầm trong quy hoạch khiến mặt đường nhếch nhác

Tiếp sau phần của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở Quy hoạch - Kiến Trúc trả lời chất vấn về các dự án quy hoạch giao thông có chuyển đổi sang mục đích khác. Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoài Nam về điều chỉnh 3000m2 nhà đỗ xe ở Trung Hòa, Nhân Chính, ông Hải cho biết, theo quy hoạch trong những năm gần đây, TP xác định đường Lê Văn Lương và Phạm Hùng là hai trong số những con đường tạo nên bộ mặt đô thị cho Hà Nội trong khoảng 10 năm tới. Do đó, Sở kiến nghị nhà đỗ xe làm ngay trên mặt đường Lê Văn Lương sẽ không đẹp.

“Có một thực tiễn nhà tái định cư xây dựng trên mặt đường Lê Văn Lương đã  khiến mặt đường nhếch nhác. Một mặt đường đẹp, nhưng do sai lầm về quy hoạch, đáng lẽ cần xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại nhưng do có những lúc phát triển kinh tế nóng đã bố trí các nhà tái định cư trên mặt đường, không tạo được bộ mặt kiến trúc đẹp” - Ông Hậu thừa nhận.

Do đó, Sở kiến nghị với khu đất 3000m2 này nên dành để xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ. Toàn bộ phần diện tích phía dưới sẽ dành làm chỗ đỗ xe bảo đảm công suất ít nhất gấp đôi và đã được UBND TP đồng ý. Ông Hải khẳng định: “Cho đến thời điểm này, tôi thấy đề xuất đó là đúng và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, kiến trúc của Thủ đô”.

(cập nhật lúc 11h00)
Nhà nước, xã hội mất nhiều tiền vào đất bỏ hoang

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn An về tiến độ xử lý Dự án xây dựng Trung tâm sách huyện Thanh Trì do Cty phát hành sách Hà Nội làm chủ đầu tư  sau 6 năm được giao hơn 3000m2 đất và 2 lần gia  hạn vẫn bỏ hoang, ông Vũ Văn Hậu, GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND TP, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở kế hoạch Đầu tư  đã đi kiểm tra.

Theo đề nghị của Cty, Dự án sẽ triển khai trong quý 4 năm 2012, hoàn chỉnh giai đoạn 1 với hạng mục thi công siêu thị sách. Giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các công trình liên quan như khối văn phòng, phòng đọc... Nhưng qua kiểm tra  hiện nay mới chỉ rào và chưa làm công trình. Trong tháng 12, theo chỉ đạo của UBND TP  Sở sẽ lập hồ sơ để thu hồi dự án này.

Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, ĐB Lê Văn Hoạt có một số ý kiến trao đổi về về vấn đề lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai: “Đây là vấn đề có thật. Vừa qua, qua giám sát của Thường trực HĐND về quản lý đất đai và tài sản công trong tháng 9 vừa qua cho thấy rất rõ điều này. Do đó, cử tri hết sức quan tâm, mong muốn UBND, HĐND TP tiếp tục quan tâm, có biện chỉ đạo quản lý có hiệu quả hơn. 

Qua  giám sát của thường trực HĐND cho thấy không ít các chủ dự án  đang ẩn bóng vào vào cái gọi vướng quy hoạch phân khu gây lãng phí đất đai của người dân. Nhà nước, xã hội mất nhiều tiền về sự lãng phí ấy.

Trong quá trình giám sát, đề nghị các quận huyện cần xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý đất đai ở các địa phương. Hiện có 2 tình trạng xảy ra là chính quyền quận, huyện chưa quan tâm đến các dự án hoang hóa của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn bởi việc cấp đất cho dự án là của TP. Các quận huyện “quên” mất chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.

Thứ hai, một số quận huyện có quan tâm thì tổ chức phối hợp, phát huy được vai trò của quận huyện chưa tốt. Ví dụ một số quận huyện có kiến nghị nhiều lần thu hồi, xử lý nhưng UBND hoặc không trả lời, hoặc không có biện pháp giải quyết hoặc có mà không trao đổi với các quận huyện.

Trong chiều nay, các ĐB sẽ tiếp tục dành nửa ngày còn lại để tiếp tục chất vấn về xây dựng chính quyền và văn hóa giáo dục.

(cập nhật lúc 15h59)
Trước 31/12, Hà Nội có quy chế quản lý nhà chung cư'


Chiều 5/12, HĐND Thành phố Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng.

Trả lời ý kiến các đại biểu Bùi Huyền Mai, Nguyễn Nguyên Quân, Nguyễn Thị Thùy… về việc quản lý chất lượng các công trình nhà chung cư, tái định cư, khâu duy tu, bảo dưỡng các tòa nhà này, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, với trách nhiệm được giao, Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản về quản lý chất lượng các công trình trên địa bàn, trong đó có cả quản lý chất lượng chung cư.

Với những chung cư thuộc quản lý Nhà nước có hư hỏng, từ năm 2002, Thành phố đã thay đổi cách khắc phục là giao cho một công ty ứng vốn trực tiếp xử lý ngay các hư hỏng, sau đó Thành phố mới bố trí vốn thanh toán. Trước đây, nếu chung cư có hư hỏng, phải chờ làm thủ tục rồi mới ứng vốn thực hiện.

Liên quan đến việc thành lập Ban quản trị các tòa nhà, Giám đốc Sở cho biết, vừa qua, Thành phố đã thực hiện thí điểm tại khu Trung hòa – Nhân Chính và đã quyết định sẽ thành lập ban quản trị tại tất cả các nhà chung cư. Trong vòng 6 tháng tới, các tòa nhà chung cư trên địa bàn sẽ có đủ.

Về bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, hiện 20/34 điểm tái định cư đã được bố trí. Theo kế hoạch, hết năm 2012, sẽ có 51 điểm cho thuê ở tầng 1 các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn hết hợp đồng cho thuê. Thành phố sẽ giữ lại các điểm này để bố trí phục vụ cho các hoạt động cộng đồng.

Về lo ngại của các đại biểu rằng các chung cư mới sau một thời gian sử dụng sẽ giống các chung cư cũ, Giám đốc Sở cho biết, Hà Nội đã có quy định trích 2% giá nhà bán tại các khu chung cư để phục vụ các hoạt động bảo trì cho khu chung cư đó, ngoài ra, các chủ sở hữu cũng phải đóng góp theo quy định để duy tu những phần sử dụng chung. Theo Giám đốc Sở, nếu các đơn vị thực hiện tốt thì sẽ duy trì được các khu chung cư đảm bảo yêu cầu chất lượng, mĩ quan.

Quan tâm đến việc trích 2% giá nhà bán, đại biểu Đỗ Trung Hai cho biết, ông không hài lòng với phần trả lời của Giám đốc Sở. Ông thẳng thắn nhận xét, giải pháp quản lý Nhà nước như vậy là lòng vòng, khiến dân kêu nhiều, cần phải rõ hơn đơn vị quản lý quỹ trích lập 2% giá bán nhà.

Tái chất vấn, các đại biểu Bùi Huyền Mai, Nguyễn Nguyên Quân quan tâm đến diện mạo kiến trúc đô thị giữa chung cư tái định cư và chung cư thương mại rất khác nhau, có thể nói là “nhếch nhác”, thì trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận bàn giao đến đâu? Cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành quy chế quản lý nhà chung cư? Đồng thời, đại biểu Mai cũng đề nghị Giám đốc Sở làm rõ những giải pháp tăng cường tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở cho biết, khi người dân mua tái định cư thì chịu trách nhiệm quản lý với phần diện tích được mua, còn tòa nhà do Nhà nước xây thì nhà nước có trách nhiệm quản lý tòa nhà đó. Hiện nay, Thành phố đã giao cho một công ty tiếp nhận, quản lý toàn bộ quỹ nhà tái định cư, nhưng do các dự án nhiều, vượt quá năng lực của công ty nên cũng có những tồn tại. Sắp tới, Thành phố sẽ khoán việc tổ chức quản lý tòa nhà cho các chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án.

Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, theo Giám đốc Sở, đây là việc khó. Đến giờ phút này, chỉ còn 66/788 trường hợp vi phạm chưa được xử lý thì tuy chưa đạt được mốc như mong muốn nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành. Theo Giám đốc Sở, 66 trường hợp còn lại rất khó xử lý và TP đang quyết tâm xử lý trong tháng 12 này.

Giám đốc Sở cũng thừa nhận, trước đây, lực lượng thanh tra xây dựng có nhiều việc chưa làm được, nhưng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Con số 142 cán bộ bị kỷ luật trong năm vừa qua đã phần nào chứng tỏ sự quyết liệt của Thành phố.

Về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, Giám đốc Sở cho biết, 11 quận, huyện có nhà siêu mỏng, siêu méo thường xuyên giao ban với các sở, ngành liên quan nên đến giữa năm 2012, đã có 85 trường hợp được xử lý xong, còn lại 309 trường hợp đã có phương án xử lý, nhưng phải theo trình tự pháp luật.

Kết thúc phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố cần sớm ban hành quy chế quản lý nhà chung cư, phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2012, lưu ý tổng kết thí điểm mô hình quản lý rồi mới ban hành quy chế để khắc phục được các bất cập hiện nay; đồng thời, ban hành quy chuẩn về xây nhà tái định cư; phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư; chỉ đạo các nhà chung cư sớm bầu được Ban quản trị theo quy định của luật.

Về khoản trích 2% từ tiền bán nhà để lập quỹ bảo trì nhà chung cư, Chủ tịch HĐND TP đề nghị, UBND TP cần sớm xây dựng cơ chế quản lý và giao cho một đầu mối quản lý thống nhất để sửa chữa những hư hỏng kịp thời, tránh để người dân gây sức ép rồi mới sửa chữa.

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng đề nghị UBND TP sớm xử lý dứt điểm nốt 66 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn tại.

(cập nhật lúc 16h22)
Gần 99% việc thi tuyển công, viên chức được phân cấp về cơ sở


Tham gia trả lời về các chế độ phụ cấp chức danh với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, sau khi Chính phủ có Nghị định 92 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, UBND Thành phố đã ban hành quy định số lượng, chức vụ, chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội. Các Sở Nội vụ, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có hướng dẫn về việc này.

Trong năm 2011, các quận, huyện, thị xã của Thành phố đã thực hiện xong các nội dung như sau:

Bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (Xã, phường, thị trấn loại 1: 25 cán bộ, công chức; loại 2: 23 cán bộ, công chức; loại 3: 21 cán bộ, công chức);

Đã thực hiện xong việc chuyển xếp lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã;

Tổ chức kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn vào tháng 7/2012 (tuyển dụng được 1.326 công chức).

Riêng việc quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, UBND thành phố chưa trình HĐND Thành phố vì việc quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị định của Chính phủ không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung. Nhưng Hà Nội đang được thực hiện mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã đã cao hơn hệ số 1,0. Vì vậy, UBND Thành phố đang chỉ đạo nghiên cứu, báo cáo, đề xuất với HĐND Thành phố trên cơ sở quy định của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 92 trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.

Về việc quy định mức phụ cấp đối với một số cán bộ chuyên ngành xã, phường, thị trấn ở thôn, bản trên địa bàn, ngày 05/04/2012, HĐND Thành phố đã có nghị quyết thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016.

Theo đó, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án bố trí viên chức kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn, bản, viên chức kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý và quyết định về việc chuyển giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn, bản; kỹ thuật trồng trọt bảo vệ thực vật thuộc các xã, phường, thị trấn về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Như vậy, về cơ bản các nội dung của nghị quyết của HĐND đã được điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Hà băn khoăn về chế độ phụ cấp với các cán bộ không chuyên trách như bí thư chi bộ, trưởng thôn hiện rất thấp so với công việc. Tình hình này bao giờ được cải thiện?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng băn khoăn liệu Giám đốc Sở có nắm được khi thực hiện nghị định của Chính phủ, có địa phương nào có số cán bộ công chức xã, phường, thị trấn vượt quá số lượng quy định theo luật hay không? Tại sao việc thi tuyển công chức năm 2012 đến giờ vẫn chưa thực hiện được?

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, số lượng cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn được quy định theo 3 mức, từ 21-25 người, trong đó cán bộ đảng có 2 chức danh, còn 4 chức danh cán bộ khối đảng thì là không chuyên trách. Việc một số xã, phường, thị trấn trong quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ đã đưa thêm cán bộ về thì vẫn nằm trong quy định, vì quỹ lương dành cho các cán bộ, công chức này là do Nhà nước trả chứ không nằm trong biên chế của cơ sở. Giám đốc cũng khẳng định, Sở nắm hết số lượng các cán bộ, công chức của tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Cũng theo Giám đốc Sở, Hà Nội cũng đã rất quan tâm và đi đầu trong việc nâng mức phụ cấp đối với các cán bộ không chuyên trách. Để tiếp tục cải thiện, Thành phố đang chờ Chính phủ sửa đổi nghị định 92, đồng thời triển khai đề án sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống chính trị ở khu dân cư. Khi đó, Thành phố sẽ tính toán tổng thể mức phụ cấp cho phù hợp giữa các chức danh, đảm bảo công bằng.

Về thi tuyển công chức, Giám đốc Sở cho biết, vì Luật Công chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 nhưng đến tháng 4/2011 mới có thông tư hướng dẫn và trong năm 2011, chúng ta tiến hành bầu cử HĐND các cấp nên Thành phố chưa tổ chức thi tuyển công chức được. Giám đốc Sở cũng cho biết, một kỳ thi tuyển công chức phải mất ít nhất mất 5 tháng nên đến cuối năm 2011, Thành phố mới thông báo thi tuyển được và sang đầu năm 2012, đã tổ chức thi tuyển từ tháng 2 đến tháng 6 và đã tuyển được hơn 600 chỉ tiêu, chỉ còn thiếu rất ít. Trong tháng 12 này, Thành phố sẽ có thông báo tổ chức thi tiếp.

Tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, chỉ tiêu tuyển dụng công chức cuối mỗi năm đều đã có, nếu Thành phố làm ngay từ đầu năm thì đã không bị chậm. Hiện nay, số cán bộ chưa được làm công chức của Hà Nội không hề nhỏ. Phải chăng có khó khăn gì trong thi tuyển công chức, có thể phân cấp thi tuyển được khôngs?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở cho biết, hiện gần 99% việc thi tuyển công, viên chức đã được phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, Thành phố chỉ còn giữ lại việc thi tuyển công chức của các sở, ngành, quận, huyện, còn thi tuyển công chức xã, phường cũng đã được giao cho các xã, phường tổ chức. Sở dĩ Thành phố không phân cấp nốt vì số lượng công chức mỗi đơn vị được tuyển dụng ở cấp quận, huyện, sở, ngành không nhiều và việc tổ chức kỳ thi không đơn giản trong việc đảm bảo chất lượng mặt bằng công chức chung. 

“Nóng” chuyện lạm thu, dạy thêm học thêm

Cuối phiên chất vấn chiều nay, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời về nhóm vấn đề thứ 4: giáo dục - đào tạo. Các ĐB và cử tri tập trung nêu câu hỏi về tình trạng “lạm thu” trong các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn TP đang diễn ra phổ biến, dưới nhiều hình thức và đã kéo dài trong nhiều năm. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn biến tướng sang hình thức khác, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, thực hiện công tác kế hoạch năm, thanh  tra Bộ GD-DT đã làm việc tại 10 trường tiểu học, Ban Văn hóa - xã hội HĐND đã làm việc với 30 cơ sở đào tạo và khảo sát sâu tại 10 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT về việc thu chi và các khoản thu khác. UBND chỉ đạo  Sở GD-ĐT  tổ chức 5 đoàn kiểm tra tại 89 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên 24 quận huyện thị xã.

Kết luận kiểm tra, thanh tra của thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định công tác chỉ đạo của UBND TP kịp thời, quyết liệt, theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-DT. Công tác triển khai của Sở GD-ĐT, UBND quận, huyện thị xã, các phòng GD - ĐT quận huyện bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ GD và của UBND TP. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số hạn chế, sai sót về quy trình và thủ tục khi thu.

Kết quả khảo sát của Ban VH-XH HĐND  đã đánh giá hầu hết các trường đã tổ chức thu ngay sau khi  triển khai nhiệm vụ đầu năm học với 6 khoản thu theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Đa số các trường thu ở mức tối đa của mức trần, một số trường thu dưới mức trần quy định. Các khoản thu này đều được công khai, có văn bản thỏa thuận với cha mẹ học sinh, có sự thống nhất với ban giám hiệu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tồn tại một số hạn chế: một số trường thu theo các khoản không có trong quy định như hỗ trợ tiểu học, thu 10.000 đồng/HS/năm (Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy); tiền học phẩm đối với trường TH 50.000 đ/HS/năm; tiền ghế chào cờ 40.000 đ/HS/năm của trường THPT Ngô Quyền, Sơn Tây; tiền photo đề thi, tiền giấy thi  của trường THCS Giáp Bát, Hoàng Mai, trường THCS Sơn Tây, Tây Sơn. Hầu hết các trường thu một số khoản chưa rõ ràng, có biểu hiện trùng lặp, ví dụ như thu tiền học môn tự chọn, tin học đối với bậc THCS và THPT mà theo báo cáo của Sở GD-ĐT khoản này đã được ngân sách bảo đảm…

Trả lời chất vấn của  ĐB Phạm Xuân Tài về kết quả xử lý trách nhiệm  hiệu trưởng các trường để xảy ra lạm thu, học thêm, dạy thêm, bà Ngọc cho biết, với 32 trường thu sai quy trình, UBDN đã yêu cầu Sở GD-ĐT  chỉ đạo các trường trả lại cho phụ huynh.

“Dân không bức xúc về chuyện học phí mà chỉ  phàn nàn chuyện lạm thu những khoản khác ngoài học phí. Tình trạng lạm thu không giảm, ban giám hiệu không nghiêm, phụ huynh không đỡ đóng góp và không khỏi bức xúc vẫn tái diễn vào đầu những năm học. Chưa biết có bao nhiêu ban giám hiệu đã dũng cảm thoái trả cho phụ huynh học sinh khoản thu chưa đúng quy trình? Sở đã kỷ luật hiệu trưởng nào chưa?” cùng nội dung quan tâm,
ĐB Nguyễn Ngọc Thạch nêu chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định tất cả các trường đã khắc phục và trả lại toàn bộ các khoản thu sai quy định. Việc xử lý kỷ luật Sở chưa nắm bắt được thực tế,  sẽ rút kinh nghiệm xử lý nghiêm với các trường hợp cố tình vi phạm.


Về xử lý giáo viên, cán bộ ngành giáo dục vi phạm, Phó chủ tịch Nguyễn Thị  Bích Ngọc nêu ra thêm một vướng mắc  khi thẩm quyền xử lý không thuộc Sở GD-DT mà thuộc UBND các quận huyện. Do đó, Phó Chủ tịch đề nghị các ĐB HĐND  trên tinh thần phân cấp giám sát  sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện rõ ràng trách nhiệm của hiệu trưởng trường nào vi phạm sẽ đề nghị các quận huyện xử lý nghiêm túc, đúng quy định.

(Tin cuối cùng cập nhật lúc 17h)
Trước ngày 31/12, UBND phải giải đáp 172 nội dung kiến nghị chưa trả lời

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: 4 nhóm vấn đề lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn đều được nhiều đại biểu HĐND, nhiều cử tri quan tâm thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Đây đều là những vấn đề nóng nhưng không mới, đã được HĐND TP hoặc giám sát, hoặc chất vấn như quản lý đất đai, tài sản công, quản lý chung cư…

Tại phiên chất vấn có 2 phó chủ tịch UBND TP, 6 giám đốc sở tham gia trả lời và đã có 27 lượt ĐB nêu câu hỏi chất vấn và tái chất vấn, phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công khai với 4 điểm mới là đã dành chọn 1 ngày, chiếm hơn 20% thời gian của kỳ họp để tiến hành chất vấn.

Trước khi chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐB được nghe đại diện UBDN TP báo cáo tóm tắt kết luận  chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Đây cũng là lần đầu tiên có tới 31 câu hỏi chất vấn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nội dung chất vấn khá toàn diện về quản lý đất đai, đô thị, giáo dục - đào tạo.  Đây cũng là lần đầu tiên có chất vấn về vấn đề  xây dựng chính quyền.

Phần trả lời chất vấn cơ bản bám sát nội dung, giải đáp hầu hết các vấn đề mà ĐB nêu ra, nêu  khá rõ các giải pháp, hướng giải quyết, xử lý…

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng nêu rõ: “Để chuẩn bị  cho kỳ họp thứ 6, HĐND TP qua 30 cuộc tiếp xúc cử tri đã tổng hợp được 182 kiến nghị của cử tri gửi đến UBND TP và các sở ngành liên quan. Đề nghị UBND trả lời trước 10 câu hỏi được cử tri quan tâm, là những vấn đề nóng, nổi cộm, làm tài liệu cho ĐB báo cáo khi đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp này. 172 nội dung kiến nghị còn lại, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan trả lời chậm nhất ngày 31/1/2013 để thường trực HĐND  đăng tải trên các  báo địa phương, gửi trả lời các cử tri, là căn cứ để các ĐB tiếp tục theo dõi giám sát việc trả lời cũng như việc thực hiện các kiến nghị của cử tri”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tường thuật phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.