Công nghiệp đường sắt là một trong những phát minh có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử nhân loại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, và ngày nay vẫn tiếp tục hiện đại hóa không ngừng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỗi quốc gia và toàn thế giới.
Từ thành công của nhiều nước trong lĩnh vực phát triển công nghiệp đường sắt, là kinh nghiệm quý báu để Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng phù hợp với nước ta.
Tuyến cao tốc cho tương lai
Trên thế giới, đường sắt cao tốc đang là thế mạnh của Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc... Để thúc đẩy phát triển đường sắt cao tốc, Chính phủ Nhật đầu tư lớn vào hạ tầng, đồng thời trao quyền cho các tập đoàn như: Central Japan Railway, East Japan Railway vận hành. Nước này cũng tập trung phát triển các công nghệ liên quan tới tàu cao tốc, kết hợp xuất khẩu ra nước ngoài để tạo ra nguồn thu tái đầu tư.
Tại châu Âu, sau khi ra đời tuyến cao tốc đầu tiên nối Paris và Lyon vào năm 1981, Pháp đã dồn mọi nguồn lực cho phát triển đường sắt, với đầu tư chính phủ rót qua công ty quốc doanh là SNCF và Alstom (nhà sản xuất tàu). Các khoản đầu tư được tính toán dài hạn, với chiến lược xuất khẩu vạch ra rõ ràng.
Trong khi đó, Đức triển khai đường sắt cao tốc từ năm 1991, với thế mạnh về kỹ thuật cơ khí chính xác. Các tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước này như Siemens, Bombardier là trụ cột, với chính phủ không chỉ đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, mà còn cởi trói, cho phép các công ty vận hành theo cơ chế thị trường. Do đặc thù địa lý, ngành công nghiệp đường sắt Đức tập trung nhiều vào kết nối với các nước khác như Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ…
Trung Quốc tuy đi sau các nước về tàu cao tốc (năm 2008) nhưng nhanh chóng trở thành quốc gia có mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới (cả nước hiện đã có hơn 40.000km). Để làm được điều này, Bắc Kinh đã triển khai chiến lược “học nhanh, làm chủ”, với công nghệ ban đầu nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản, Pháp qua các liên doanh sau đó liên tục nội địa hóa.
Tương tự, Hàn Quốc cũng xây dựng nền công nghiệp đường sắt cao tốc từ công nghệ chuyển giao ban đầu từ Pháp. Thông qua mô hình hợp tác công - tư, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy nội địa hóa nhanh chóng thông qua các khoản đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển.
Nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi
Có thể thấy, ngoại trừ một số quốc gia có tiềm lực công nghiệp tốt như Nhật Bản hay Đức, những nền kinh tế “đi sau” như Trung Quốc hay Hàn Quốc đều sử dụng chung công thức phát triển công nghiệp đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc.
Có một số yếu tố chung giúp các nước phát triển thành công lĩnh vực công nghệ mới này.
Thứ nhất là chính sách nhà nước dài hạn trong cung cấp vốn, quy hoạch chiến lược và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai là việc ưu tiên nghiên cứu và phát triển để làm chủ công nghệ đường sắt một cách toàn diện, đặc biệt là tàu, đường ray, tín hiệu, hệ thống điều hành.
Thứ ba, trong quá trình phát triển, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, kết hợp với hợp tác quốc tế theo công thức: Nhập công nghệ -chuyển giao - nội địa hóa - xuất khẩu trở lại. Về hạ tầng, yếu tố đồng bộ là vô cùng quan trọng, kết hợp phát triển đô thị, ga tàu, logistics, thương mại…
Là quốc gia đang có nhiều tham vọng trong phát triển đường sắt cao tốc, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các quốc gia đã thành công. Về chính sách và chiến lược quốc gia, có thể học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong xây dựng chiến lược dài hạn, nhất quán, tránh thay đổi theo nhiệm kỳ. Luật hóa và thể chế hóa quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc, gắn kết với phát triển vùng và đô thị.
Ban đầu có thể nhập khẩu công nghệ, sau đó hợp tác - chuyển giao -nội địa hóa - phát triển độc lập. Tích cực hợp tác với các tập đoàn lớn có thế mạnh về lĩnh vực này trên thế giới như Alstom, Siemens, Hitachi để học hỏi thiết kế, kỹ thuật, đồng thời đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, phát triển các viện nghiên cứu chuyên ngành và hỗ trợ các trường đại học kỹ thuật đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, cần phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa, bao gồm đưa các tập đoàn công nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng, là cách mà Trung Quốc và Pháp đã ứng dụng hết sức thành công.
Về phát triển hạ tầng và đô thị, Nhật Bản là một bài học lớn, khi xây dựng tuyến tàu phải luôn song hành với quy hoạch các đô thị vệ tinh, trung tâm thương mại quanh nhà ga…, chú trọng biến các ga tàu thành điểm phát triển kinh tế (Transit-Oriented Development - TOD), gắn đường sắt cao tốc với các đô thị mới, khu công nghiệp, du lịch, quy hoạch các ga trung tâm thành phố lớn thành các “siêu hub” giao thông - thương mại - văn hóa…
Về vốn, Việt Nam có thể học hỏi phối hợp nhiều nguồn vốn: Ngân sách, ODA, đầu tư tư nhân, phát hành trái phiếu, hợp tác quốc tế… trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) là hai nguồn lực quan trọng.
Thực tế, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều áp dụng mô hình chính phủ đầu tư ban đầu, thu hồi vốn dần qua vận hành và khai thác thương mại nhà ga, cũng như xuất khẩu. Dĩ nhiên, cơ chế thu hút tư nhân (PPP - đối tác công tư) là không thể thiếu.
Có thể nói, thế giới không thiếu những bài học thành công trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, bao gồm cả đường sắt cao tốc hiện đại. Là nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng những kinh nghiệm quý báu một cách phù hợp, để thúc đẩy mạng lưới giao thông quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và dài lâu.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.