Cùng với khẩn trương phối hợp đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực cao cho ngành công nghiệp Đường sắt, các doanh nghiệp, nhà thầu lớn cũng kiến nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Từ đó có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia.
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Ngành Đường sắt đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt liên vận quốc tế và quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Trong 5-20 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này dự kiến tăng cao, với khoảng 26.000-32.000 người cho giai đoạn thi công và gần 14.000 người cho giai đoạn vận hành. Ðiều này đòi hỏi đổi mới công tác đào tạo và tiếp cận các công nghệ hiện đại để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Đường sắt.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) Trần Thiện Cảnh thông tin, nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm. Thứ nhất là công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt gồm hạ tầng dưới ray như cầu, đường, hầm và kiến trúc nhà ga, sản xuất vật liệu là ray, ghi, tà vẹt. Thứ hai là đầu máy, toa xe. Thứ ba hệ thống thông tin, tín hiệu cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa. Thứ tư là hệ thống điện sức kéo, gồm đường truyền, trạm biến áp, cấp điện cho phương tiện. "Thị trường đường sắt Việt Nam đã đủ lớn để các doanh nghiệp trong nước quan tâm, đầu tư phát triển về công nghiệp đường sắt", ông Trần Thiện Cảnh nêu.
Đón trước nhu cầu phát triển, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp với yêu cầu của đất nước. Các doanh nghiệp, nhà thầu lớn của Việt Nam cũng chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để cử đội ngũ kỹ sư tham gia đào tạo nâng cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay, cùng với những ngành truyền thống như xây dựng công trình giao thông, kinh tế vận tải, cơ khí giao thông..., nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo mới hiện đại và hội nhập trong lĩnh vực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao - những lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn mới. Các chương trình này có tham khảo và tiếp thu những mô hình đào tạo tiên tiến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; tăng cường thời lượng thực tập, thí nghiệm và thực nghiệm… Chương trình được thiết kế theo định hướng thực tiễn, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có năng lực làm việc ngay, sẵn sàng tham gia và đóng góp vào các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong khi đó, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng vừa khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị. Học viên tham gia khóa học là kỹ sư đã tốt nghiệp đại học các ngành như kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, xây dựng cầu - đường, kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ. Phần lớn trong đó là đội ngũ kỹ sư đã có kinh nghiệm thi công các dự án giao thông lớn thuộc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và một số doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Minh Giang chia sẻ, để thực hiện mục tiêu tham gia các dự án đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao với mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý. Đơn vị cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị, tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao, như Nhật Bản, Trung Quốc… để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị, sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Cơ chế, chính sách ưu đãi cần cụ thể
Khẳng định quyết tâm sẵn sàng tham gia vào “sân chơi” phát triển ngành công nghiệp Đường sắt Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia, song đại diện nhiều doanh nghiệp lớn cũng kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Fecon Đỗ Mạnh Cường cho biết, từ năm 2014, Fecon đã cử các chuyên gia, kỹ sư đi làm thuê cho nước ngoài để học hỏi về lĩnh vực đường sắt đô thị. Với tuyến đường sắt đô thị Nhổn -Ga Hà Nội, Fecon là nhà thầu phụ của liên danh Hyundai & Ghella. Từ kinh nghiệm này, ông Đỗ Mạnh Cường khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ, chủ động thi công các hạng mục hạ tầng bằng công nghệ hiện đại với phần nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray. Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp tham gia, đầu tư, làm chủ. Chính phủ, các bộ, ngành sớm có cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới với những cơ chế về vay vốn ưu đãi...
Là doanh nghiệp tiềm năng tham gia sản xuất, lắp ráp toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp kỹ thuật - công nghệ (Công ty cổ phần Công nghiệp Thaco) nhấn mạnh, Thaco xác định đây không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam. Để thực hiện, Thaco sẽ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; hợp tác với doanh nghiệp quốc tế có năng lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ…
Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Chẳng hạn như thông qua hình thức chỉ định thầu, đặt hàng (cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra) để lựa chọn nhà đầu tư/doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án đầu tư - nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho dự án.
Cùng với đó, Nhà nước nên miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong suốt thời gian thực hiện dự án; áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Sẵn sàng cho "sân chơi" lớn, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, có thể làm chủ công nghệ sản xuất thép, ray cung ứng cho thị trường đường sắt những sản phẩm bảo đảm chất lượng với giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm nhập ngoại. Song với mức đầu tư lớn như vậy, đơn vị mong muốn Nhà nước có cam kết cụ thể với doanh nghiệp.
Chỉ rõ quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp Đường sắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư. Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp Đường sắt. Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến…
Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, doanh nghiệp có quyết tâm, nỗ lực, tất cả hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghiệp đường sắt phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.