Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Kết luận được ví như phát “pháo lệnh” nhằm chấn hưng một phương thức vận tải có nhiều ưu việt, nhưng đang chậm đổi mới, lạc hậu.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TƯ của Bộ Chính trị, các chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.
Vừa qua, Quốc hội khóa XV đã ban hành 3 nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ thiết kế 350km/giờ. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2025-2035.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ đường 1.435mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa; tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, tuyến nhánh 27,9km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2030.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156km.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 187km.
Còn theo Nghị quyết số 188/2025/ QH15 của Quốc hội, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) Trần Thiện Cảnh cho biết, trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giá trị đầu tư hơn 67 tỷ USD, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khoảng 8 tỷ USD. Cùng với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường sắt theo quy hoạch sẽ tạo nên thị trường lớn, khoảng 100 tỷ USD, mở rộng "sân chơi" cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, các doanh nghiệp trong nước cơ bản đủ năng lực thực hiện phần xây dựng kết cấu hạ tầng, với giá trị lên đến khoảng 30 tỷ USD, tạo ra thị trường lớn về sản xuất vật liệu, xây dựng và tạo ra hàng triệu việc làm. Đồng thời, việc đưa vào khai thác hệ thống đường sắt đô thị tại các địa phương với chi phí mua sắm đầu máy, toa xe có giá trị lên đến 12 tỷ USD, cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển, có khả năng nhận chuyển giao công nghệ, làm chủ phần vận hành, bảo trì và tiến tới nội địa hóa 30-40% phần đóng mới toa xe.
Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, diễn ra cuối tháng 3-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, thoát khỏi lối mòn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; phải quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Đây cũng là một cơ hội để đất nước, dân tộc có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.