(HNM) - Cuốn sách đoạt giải Nobel Văn học 2015 “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich được NXB Hà Nội và Công ty CP Sách Tao Đàn cho ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 6-2016.
Năm 2015, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Văn học thuộc về nhà báo Svetlana Alexievich, tác giả của “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Tác phẩm của Svetlana Alexievich mang màu sắc điều tra, phản ánh hiện thực, đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và liên tục được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tại Việt Nam, vào năm 1987, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, do NXB Đà Nẵng phát hành. Ấn bản lần này là bản dịch từ nguyên bản đã được tác giả chỉnh sửa và bổ sung vào năm 2013.
“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là tiếng nói của những người phụ nữ tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đó là sự lạ bởi lâu nay người ta vẫn nghĩ chiến tranh là của phái mạnh, người lính là nam giới. Câu hỏi đặt ra là hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh như thế nào, họ tham chiến với tâm thế ra sao? Những người phụ nữ đã phải chịu đựng những gì trong và cả khi cuộc chiến kết thúc?... Trong nhiều năm, Svetlana Alexievich đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với những người phụ nữ từng tham chiến để viết nên cuốn sách này, trả lời cho câu hỏi từ lâu chưa được giải đáp. Cuốn sách đã khắc họa chân thực, sinh động chân dung nữ giới trong chiến tranh. Họ không chỉ là hậu phương, làm công tác hậu cần, là những y tá chăm sóc thương binh… mà còn là những người lính thực thụ nơi “hòn tên mũi đạn”.
Qua trang sách, ta thấy những người phụ nữ là xạ thủ bắn tỉa, phi công, chiến sĩ súng máy, lái xe, thợ máy chiến xa hạng nặng… Những cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi ấy đã tham gia vào mọi mặt trận, chịu đựng sự nhọc nhằn, nỗi thống khổ như nam giới dù thể lực của họ không tốt như cánh mày râu, bất kể là quân trang, vũ khí, trang bị dành cho chiến tranh đều được thiết kế để phục vụ nam giới... Những người phụ nữ ấy đã vác những khẩu súng cao hơn thân mình, mặc những bộ quân phục cồng kềnh, đi những đôi giày to lớn của nam giới và dũng cảm đối mặt với cuộc chiến khốc liệt. Họ cũng gác đêm, cũng chiến đấu, lao vào trận địa để cứu thương binh… Rất nhiều câu chuyện đã được kể lại, làm nổi bật lên sự can trường và sức chịu đựng đáng ngạc nhiên của người phụ nữ. Như chính tác giả đã viết trong nhật ký của mình: “Con người lớn hơn chiến tranh… Tôi ghi lấy chính xác những khoảnh khắc họ lớn hơn chiến tranh đó. Tôi phải bao quát rộng hơn: Viết lên sự thật về sự sống và cái chết nói chung, chứ không chỉ sự thật về chiến tranh”.
Trong “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, tác giả cũng chỉ rõ sự tàn khốc của mặt trận, nơi mà cả bên thắng cũng như bên thua đều phải hứng chịu mất mát, đau thương. Đi qua gần 500 trang sách, người đọc sẽ không còn phân vân tại sao Svetlana Alexievich lại giành giải Nobel Văn học. Với góc nhìn sắc sảo của một nhà báo điều tra, cẩn trọng trong từng trang viết, giọng văn thấm đẫm hiện thực và tinh thần nhân ái, tác giả đã dựng lên “Một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng quả cảm trong thời đại chúng ta” (theo nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển).
Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich sinh năm 1948, là người Belarus. Năm 1985, tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” được xuất bản ở Nga và bán được hơn hai triệu bản. Tác phẩm được trao giải Leninsky Kosomol tại Nga vào năm 1986.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.