(HNMO) - Ngay giữa lòng Thủ đô Mátxcơva
có một quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, nổi bật là bức chân dung của Người đang mỉm cười được khắc nổi trên tấm đồng lớn hình tròn…
Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhà nước Xô Viết đã quyết định chọn một vị trí rất đẹp tại thành phố Mátxcơva xây dựng quảng trường Hồ Chí Minh để tưởng nhớ Người. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), tại đây đã khánh thành một tổ hợp tượng đài bằng đồng cao 5m, đặt trên bệ đồng khối, có chiều dài 6m, dày 0,5m.
Đây là tác phẩm có ý tưởng và cấu trúc độc đáo, không giống với những tượng đài khác. Trung tâm tượng đài là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với vầng trán cao, đang mỉm cười hiền hậu, được khắc nổi trên tấm đồng lớn hình tròn biểu tượng cho mặt trời. Phía dưới là hình tượng chàng trai khỏe mạnh, tay chống đất, trong tư thế chuẩn bị xuất phát, ánh mắt cương nghị hướng theo vầng thái dương ẩn chứa khát vọng vươn tới tương lai.
Khối tượng đài được làm “mềm” bằng hình ảnh hoa và cây tre uốn cong, biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam kiên cường vượt qua gian khổ, khó khăn. Mặt trước bệ tượng đài là câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được khắc bằng tiếng Nga.
Tác giả của tác phẩm điêu khắc này là họa sĩ trứ danh Vladimir Efimovich Tsigal (1917-2013). Năm 1985, ông được Chính phủ Liên Xô cử sang Việt Nam để nghiên cứu, phác thảo và chỉ đạo việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh tại Mátxcơva.
Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những hình ảnh ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam đã tạo nên những cảm xúc nghệ thuật trong người nghệ sĩ tài hoa từng vinh dự nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô - Liên bang Nga này.
Sau quá trình sáng tạo và lao động nghệ thuật miệt mài của người nghệ sĩ, khối điêu khắc khỏe khoắn, hiện đại và đậm nét văn hóa Á Đông ra đời. Mỗi chi tiết thể hiện trên khối điêu khắc đều mang ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ sự hiểu biết, từ tấm lòng ngưỡng mộ của tác giả về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đã được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Ba thập kỷ đã trôi qua, nơi đây giờ đã trở thành địa chỉ gần gũi và thân quen đối với những người Việt Nam đang sống và làm việc ở xứ sở Bạch Dương. Vào ngày lễ, Tết hay mỗi tháng 5 về, người Việt ở Nga vẫn có truyền thống đến đây đặt hoa bên tượng đài Bác, gửi gắm trọn vẹn tình cảm kính yêu Bác về nơi quê nhà. Các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Nga tới đặt hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh như một phần không thể thiếu trong chương trình hoạt động.
Với không gian rộng, nhiều cây xanh và những bồn hoa trang trí nhiều màu sắc, Quảng trường Hồ Chí Minh còn là điểm vui chơi được nhiều người dân Mátxcơva ưa thích. Hằng ngày, họ đến đây dạo chơi, trò chuyện và rắc bánh mì cho những đàn chim bồ câu dưới chân tượng đài.
Nước Nga, nơi in đậm dấu ấn những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác, có nhiều công trình mang tên Hồ Chí Minh, nhưng Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam giữa lòng thủ đô nước Nga mãi mãi là một công trình vĩ đại, ngọn lửa của tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.