Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước phát triển vững chắc kinh tế Thủ đô

Hương Ly| 19/04/2012 07:09

(HNM) - Tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Bộ Chính trị nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính, ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước.


Những lợi thế mang tính chiến lược

Với lịch sử hơn 1000 năm tuổi và bề dày văn hiến, từ ngàn đời nay, Thủ đô Hà Nội luôn được các bậc tiền nhân lựa chọn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh kinh tế của cả nước chịu những ảnh hưởng tiêu cực do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, Thủ đô Hà Nội vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thủ đô năm 2011 đạt 80.952 tỷ đồng, tăng 10,1 % so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 41.380 tỷ đồng, tăng 10,8%. Ngành công nghiệp - xây dựng cũng đạt mức tăng khá ấn tượng: 10,2%, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,4%. Để xứng đáng với vai trò và vị trí của mình, nhiều năm qua Thủ đô Hà Nội đã triển khai những nhiệm vụ chiến lược nhằm phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính, ngân hàng hàng đầu của khu vực phía bắc và cả nước. Đây là một trong những "điểm nhấn" quan trọng của công cuộc phát triển kinh tế Thủ đô và cả nước.


Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành Trung tâm kinh tế lớn của cả nước.  Ảnh: Duy Tường

Theo các chuyên gia kinh tế, trung tâm tài chính, ngân hàng là nơi các nguồn vốn tài chính và tiền tệ được huy động, chuyển đổi, thanh toán và trao đổi, tạo nên một thị trường vốn có tính cạnh tranh cao. Các trung tâm này luôn đem lại lợi thế về kinh tế cho các giao dịch tài chính và xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. London (Anh quốc), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản)… là những trung tâm tài chính, ngân hàng hàng đầu trên thế giới, là nơi tập trung nhiều hoạt động tài chính với những ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thế giới.

Với lợi thế là Thủ đô của cả nước, nhiều năm qua Hà Nội là nơi các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm trong và ngoài nước đặt trụ sở chính, mở văn phòng giao dịch. Các thương hiệu lớn như HSBC, Citi, ANZ, Prudential… đều đã có mặt tại Việt Nam và đặt văn phòng tại Hà Nội. Hạ tầng công nghệ phát triển ở mức cao kèm theo lực lượng nhân sự chuyên môn khá và những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn đã giúp Hà Nội là một trong những điểm đến của các định chế tài chính lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển Thủ đô trở thành một trung tâm tài chính, ngân hàng, Hà Nội cần có những bước đi vững chắc.

Những bước đi cụ thể

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù có những lợi thế đặc biệt so với các địa phương, song điểm yếu của các định chế tài chính - tiền tệ của Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung là quy mô còn khiêm tốn, trình độ nghiệp vụ chưa cao. Sự thiếu hụt lực lượng chuyên gia tài chính - tiền tệ có đẳng cấp cao cũng là một thách thức. Để phát triển Hà Nội thành trung tâm tài chính, ngân hàng, một trong những điều kiện tiên quyết là phải thu hút được sự có mặt của đông đảo các định chế tài chính tên tuổi trên thế giới với các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cao nhằm tạo ra tầm ảnh hưởng lớn trong nước cũng như ngoài biên giới quốc gia.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng hệ thống luật lệ, cơ chế có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường vốn hiện nay. Bởi đây là điều kiện nhằm tạo ra môi trường pháp lý công khai, minh bạch, bình đẳng, mang lại lợi ích trực tiếp cho hoạt động của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ tiên tiến, việc tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại của hệ thống tài chính, ngân hàng hiện nay đóng vai trò rất quan trọng.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để phát triển một khu vực tài chính cần dựa trên 4 trụ cột: xây dựng cơ sở vững chắc cho các dịch vụ tài chính thông qua một hệ thống pháp lý minh bạch; tăng cường hệ thống ngân hàng; thúc đẩy sự đa dạng hóa trong hệ thống tài chính và phát triển thị trường vốn, nơi đóng vai trò "bánh xe dự trữ" khi khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng xảy ra. Cuối cùng là cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo, DN vừa và nhỏ…

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV nhằm phát triển Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-Ctr/TU về tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Triển khai Chương trình 03 của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất 6 giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững. Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN; củng cố và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển bền vững; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành TƯ; hợp tác, liên kết cùng phát triển với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm và cả nước, các TP lớn trong khu vực và quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. UBND TP sẽ xây dựng lộ trình cụ thể cho từng quý, từng năm nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Trách nhiệm thực hiện sẽ được phân công cụ thể cho từng sở, ban, ngành. Mục tiêu là đến năm 2015, đạt tốc độ tăng GDP 12-13%/năm; cơ cấu kinh tế sẽ bao gồm dịch vụ chiếm khoảng 55%, công nghiệp - xây dựng 42%, nông nghiệp 4%; GDP bình quân đầu người khoảng 86 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%...

Đạt được những mục tiêu nêu trên, Thủ đô sẽ có bước tiến quan trọng để trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính, ngân hàng hàng đầu của cả nước, là cơ hội để bước sang một giai đoạn phát triển mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từng bước phát triển vững chắc kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.