(HNM) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh từ sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Những cam kết của ông về giảm thuế doanh nghiệp đã giúp chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 8.000 điểm. Dù vậy, một phần tư số này đã mất đi chỉ trong vài ngày qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn. |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-2, chỉ số Dow Jones đã hồi phục nhẹ khi tăng 1,38%, tương đương 330,44 điểm và lên ngưỡng 24.190,9 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng thêm 0,99% giá trị, tương đương 25,7 điểm và đạt 2.619,1 điểm. Tuy nhiên, những con số này quá ít ỏi so với những gì đã mất tại những phiên giao dịch bão táp trong tuần qua. Vào “ngày đỏ lửa” 8-2, Dow Jones đã tuột khỏi đỉnh 24.000 điểm mới vừa đạt được vài tuần trước khi mất một lúc 1.033 điểm, tức 4,15%.
Đây là lần thứ hai trong tuần, chỉ số này giảm trên 1.000 điểm. Cách đó chỉ 3 ngày, Dow Jones đã “lao dốc không phanh” và để mất tới 1.175 điểm, tương đương 4,6% trong phiên giao dịch kinh hoàng ngày 5-2. Trong khi đó, S&P 500 mất tới 100 điểm, giảm 3,75% xuống còn 2.581 điểm, rơi xuống mức thấp mới trong tuần. Chỉ số này cũng phá vỡ ngưỡng trung bình 100 ngày và là lần thứ ba trong tuần giảm hơn 2%. Sàn chứng khoán Nasdaq cũng không “khá khẩm” hơn khi đóng cửa với việc mất 3,9% giá trị, về mức 6.777 điểm, xuống đáy của 2 tháng do cổ phiếu của các “ông lớn” Facebook, Amazon và Microsoft đều giảm ít nhất 4,5%.
Tuần biến động của chứng khoán Mỹ diễn ra khi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng tốt với những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại lo ngại về lạm phát, trái phiếu và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Những yếu tố này đã châm ngòi cho đợt bán tháo ồ ạt khiến Phố Wall rung lắc mạnh mẽ. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm đỉnh 4 năm tại 2,88%, dấu hiệu cho thấy thị trường lo ngại về lạm phát.
Đối với lãi suất, các nhà đầu tư cũng có lý do để e ngại khi Washington đang ngày càng tăng áp lực lên con số này. Thượng viện Mỹ vừa đạt thỏa thuận giữa hai đảng về việc nâng trần chi tiêu thêm 300 tỷ USD trong 2 năm tới. Theo ước tính của Bank of America, cùng với chính sách giảm thuế, động thái này có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên 1.070 tỷ USD trong tài khóa 2019, đồng thời buộc Bộ Tài chính Mỹ tăng đi vay bằng phát hành thêm trái phiếu. Như một điều hiển nhiên, để kích thích nhu cầu trái phiếu khi nguồn cung tăng cao, lãi suất sẽ được cân nhắc tăng thêm.
Bên cạnh đó, tiền lương ở Mỹ trong tháng 1-2018 đã tăng tới 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành mức tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm qua. Việc tiền lương tăng nhanh tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát tăng theo, cũng là yếu tố mở đường cho lãi suất tăng nhanh hơn. Tới nay, một số dự báo cho rằng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, FED có thể tăng lãi suất 4 đợt thay vì 3 đợt như dự kiến trong năm 2018.
Sự biến động với biên độ mạnh khi tăng giảm gần 2.300 điểm trong tuần qua của chứng khoán Mỹ cũng ngay lập tức gây ảnh hưởng tới các sàn giao dịch toàn cầu. Sắc đỏ một lần nữa lại nhuộm rực sàn chứng khoán từ Châu Âu đến Châu Á khi Phố Wall “đổ đèo” vào ngày 8-2. Đây cũng là phiên giảm điểm sâu thứ hai của thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ trong vòng 1 tuần qua. Chỉ số Topix Nhật Bản đã có lúc giảm tới 3,3% trước khi hồi phục nhẹ, trong khi thị trường Australia, Hàn Quốc đều giảm hơn 1% khiến chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 2-2016. Tại Châu Âu, chỉ số DAX (Đức) giảm 0,06%, trong khi FTSE (Anh) giảm 0,59%.
Trái với sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán, đồng USD hiện đang hồi phục nhờ triển vọng tốc độ tăng lãi suất được đẩy nhanh. Động thái này cũng gián tiếp khiến giá các hàng hóa cơ bản như vàng và dầu thô đi xuống trên toàn cầu. Sau một thời gian hồi phục ngoạn mục, thị trường cổ phiếu đang đứng trước những áp lực ghê gớm. Đợt điều chỉnh này dù chưa dài nhưng biên độ rất sâu chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư và khiến việc tìm lại sắc xanh trên các sàn giao dịch không dễ dàng trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.