(HNM) - Vụ nổ xảy ra sáng 3-1 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho thấy chính quyền các cấp ở địa phương còn nhiều sơ hở trong việc quản lý các cơ sở thu mua phế liệu, người dân cũng thiếu ý thức cảnh giác, đề phòng.
Chính quyền sơ hở, người dân chủ quan
Vụ nổ tại thôn Quan Ðộ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương. Sức công phá của vụ nổ làm 5 nhà dân xung quanh bị sập đổ, nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ được xác định là sơ suất trong quá trình lấy phế liệu từ vật liệu nổ.
|
Hiện trường vụ nổ. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+) |
Được biết, xã Văn Môn vốn là nơi tập trung buôn bán vật liệu, phế thải với số lượng lên đến hàng trăm kho. Mỗi ngày, dọc tuyến đường chính của xã có hàng chục chuyến xe tải vận chuyển các loại phế liệu, trong đó có cả những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào. Ngay như tại cơ sở thu mua phế liệu vừa xảy ra vụ nổ, chủ cơ sở là ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1964) khai báo với cơ quan chức năng là đã thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 để tháo dỡ phế liệu từ tháng 12-2016. Chỉ vài giờ sau khi vụ nổ xảy ra, Công an huyện Yên Phong tiếp tục phát hiện thêm một kho hàng chứa các loại đầu đạn cách hiện trường vụ nổ gần 500m cũng do ông Tiến làm chủ.
Trong khi đó, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (được sửa đổi bổ sung bởi Pháp lệnh 07/2013/UBTVQH13) quy định, việc mua bán trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là hành vi bị nghiêm cấm và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi chưa có biện pháp siết chặt kiểm tra, quản lý, giám sát, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Đa phần người dân xã Văn Môn đều sinh sống, thậm chí làm giàu bằng nghề buôn bán phế liệu. Mặc dù trên địa bàn xã thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ tai nạn trong quá trình tháo dỡ phế liệu, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người đã bất chấp, chủ quan, lơ là trong bảo đảm an toàn. Cơ sở của ông Tiến đã nhiều lần thu mua vật liệu nổ để tháo dỡ nhưng các gia đình xung quanh cũng không báo chính quyền... Chưa kể, tại xã này còn tồn tại những kho phế liệu là thiết bị điện tử chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến môi trường.
Theo kết quả xác minh bước đầu, vụ nổ tại xã Văn Môn là do vật liệu nổ thu gom sau rà phá và xử lý đạn, có liên quan đến một số cá nhân thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh. Hiện nay, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đang tích cực điều tra làm rõ để xử lý nghiêm vụ việc trên. Và đây cũng chính là một bài học đắt giá về công tác quản lý vật liệu nổ, dù là đã hết hạn sử dụng.
Siết chặt quản lý Hậu quả đau lòng từ những vụ nổ do người dân lấy phế liệu từ bom mìn, vật liệu nổ là điều luôn gây nhức nhối trong xã hội. Điển hình như vụ cưa bom gây nổ ngày 18-8-2017 tại thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) làm 6 người chết tại chỗ và 2 người bị thương. Tại TP Hà Nội, ngày 19-3-2016 một quả bom phát nổ khi bị cưa bằng đèn khò tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) làm 4 người dân thiệt mạng... Điều đáng lưu ý là tại các khu dân cư, đặc biệt là vùng ven đô của Hà Nội, tình trạng các điểm tập kết phế thải sắt thép không rõ nguồn gốc khá nhiều và khó kiểm soát. Những người làm nghề thu gom phế liệu phần đông là từ nông thôn ra nên kiến thức về an toàn lao động, an toàn cháy nổ rất hạn chế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, hằng năm, TP Hà Nội đều có những văn bản chỉ đạo để siết chặt hoạt động sử dụng vũ khí, vật liệu cháy, nổ trên địa bàn. Đại tá Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, việc phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Sau khi tiếp nhận, lực lượng chức năng sẽ phân loại và xử lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mua, bán vật liệu nổ. Hằng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô đều chỉ đạo Phòng Công binh nhắc nhở các quận, huyện, thị xã chú trọng tuyên truyền đến nhân dân. Đặc biệt, trong chương trình huấn luyện bổ sung cho các ban, ngành của từng địa phương, Bộ Tư lệnh Thủ đô đều có bài giảng về nhận biết bom mìn, vật liệu nổ, cách thu gom, thu hồi vật liệu nổ...
Đối với lực lượng công an, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, đặc biệt thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, lực lượng công an thành phố sẽ tăng cường triển khai công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ các loại. Trong đó, Công an thành phố sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, bảo đảm an toàn cho người dân vui Xuân, đón Tết...
Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1964, trú ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chủ cơ sở phế liệu vừa xảy ra vụ nổ để điều tra, làm rõ về hành vi "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng", được quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự.
|