Xây dựng

Từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân: Tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa hệ lụy

Dạ Khánh - Triệu Hoa 13/09/2023 - 15:02

Phát triển nở rộ tại nội đô trong thời điểm khan hiếm nhà ở giá rẻ, chung cư mini đáp ứng nhu cầu chỗ ở của nhiều người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, do được “biến tướng” từ nhà ở tư nhân, không bảo đảm các tiêu chuẩn xây dựng, đặc biệt là tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tai nạn cháy nổ tại chung cư mini là nguy cơ đã được cảnh báo...

bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2023-9-13-_chay-chung-cu-mi-ni3-4613-1694573664776769681099(1).jpeg
Cháy chung cư mini tại Khương Hạ.

Nguy cơ đã được cảnh báo

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ làm cho không ít người dân bàng hoàng, xót xa...

Đáng nói, đây là chung cư cao tầng (10 tầng, 45 phòng), được xây dựng dạng nhà ống, có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là mặt tiền ngôi nhà, lại nằm trong ngõ nhỏ, nên khi xảy cháy, người dân bên trong khó thoát hiểm, còn lực lượng PCCC cũng khó tiếp cận.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) chia sẻ, nguy cơ cháy, nổ tại chung cư mini, với hậu quả thiệt hại lớn, đã được cảnh báo.

Thứ nhất, nhiều chung cư mini có quy mô khối tích và cư dân sinh sống cố định rất lớn, song lại được xây dựng “xen cấy” trong các khu dân cư cũ, dẫn đến khả năng tiếp cận, ứng cứu của các cơ quan chức năng khi có sự cố rất khó khăn.

Các chung cư mini cũng thường được tận dụng tối đa đất xây dựng, không có khoảng lùi xung quanh để phục vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Thứ hai, thiết kế kiến trúc nhiều chung cư mini tồn tại nhiều bất cập. Việc người dân phải đập cửa ban công, nhảy từ tầng cao xuống mái nhà bên cạnh cho thấy giải pháp thoát hiểm cho cư dân không có. Thiết kế công trình thiếu hẳn hệ thống thoát hiểm (thang bộ và thang máy có hệ thống ngăn khói và chống cháy) như quy định với các khu chung cư thông thường.

Thứ ba, sau nhiều năm sử dụng, nhà chung cư mini thường không được bảo dưỡng, dẫn đến xuống cấp, đặc biệt là hệ thống điện, nên nguy cơ cao xảy ra chập cháy.

Về loại hình chung cư mini, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, trước hết, cần nhận thức sự xuất hiện và phát triển của chung cư mini thời gian qua đã làm đa dạng thị trường bất động sản Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều bất cập cũng đã được nhận diện, chẳng hạn chưa xác định rõ các khu vực được cấp phép xây dựng và sự can thiệp bảo đảm vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện PCCC của các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tiếp đó, thiếu sự giám sát chặt chẽ sau cấp phép xây dựng của chính quyền địa phương dẫn đến sai phép, thay đổi thiết kế. Trong khi đó, việc xây dựng hoàn toàn mang tính cá nhân nên chất lượng công trình khó có thể kiểm soát.

"Hầu hết các chung cư mini không có hoặc trang bị sơ sài về PCCC. Trong khi, việc bảo đảm các điều kiện PCCC lại cần đặc biệt coi trọng", ông Nghiêm nhận định.

chung-cu-mini.jpg
Ý thức về an toàn cháy của chủ đầu tư, người dân vẫn còn hạn chế.

Ý thức, kiến thức về an toàn cháy còn hạn chế

Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã cảnh báo về việc tình trạng không bảo đảm PCCC đối với chung cư mini, cũng như các công trình xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có một lối thoát nạn.

Bộ Xây dựng cho biết, theo thống kê chưa chính thức, cả nước có gần 40.000 công trình đang có tồn tại về PCCC. Đây là những công trình cộng dồn qua nhiều năm, với các tồn tại khác nhau, không dễ để khắc phục.

Trong đó, có những vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản, gây rủi ro cho con người sử dụng công trình như: Nhà nhiều tầng, tập trung đông người nhưng chỉ có một lối thoát nạn; nhà nhiều tầng, sử dụng thang hở, trường hợp có cháy, khói sẽ nhanh chóng lan theo thang hở và xâm chiếm vào các tầng, ảnh hưởng đến an toàn của con người.

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình, Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Các bộ, ngành cũng đã ban hành 9 quy chuẩn, 25 tiêu chuẩn về nhà ở và công trình, 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC vẫn còn khiêm tốn nếu so với các nước khác trên thế giới. Trong đó, từ năm 2010, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình và đã thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh 3 lần (qua các năm 2020, 2021, 2022) với các giải pháp, yêu cầu phù hợp với thực tiễn phát triển.

Thực tế, các công trình có vi phạm về PCCC đã được xây dựng và khai thác trong nhiều giai đoạn trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý.

Bên cạnh đó, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ lệ lớn nhất (66,2%), dẫn đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC ít được quan tâm.

Trong khi đó, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ năm 2001 đến nay, có 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này có thấy ý thức tuân thủ quy định và trang bị kiến thức an toàn cháy của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Tăng cường kiểm soát, có giải pháp bảo đảm an toàn cháy

Để hạn chế, tránh các sự cố xảy ra cháy, nổ tại chung cư mini, Thạc sỹ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương cho rằng, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các chung cư mini đã xây dựng lâu năm; loại bỏ hình thức phạt cho tồn tại.

Đồng thời, áp dụng nhiều chế tài mạnh, kiên quyết xử phạt và bắt buộc nâng cấp, cải tạo trong trường hợp phát hiện bị xuống cấp, mất an toàn PCCC, thiếu hệ thống an toàn PCCC.

Với trường hợp xây dựng mới, phải bắt buộc áp dụng thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng hệ thống kỹ thuật, an toàn PCCC như đối với các nhà chung cư cao tầng thông thường.

Giải pháp trước mắt là cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép xây dựng; tăng cường quản lý, giám sát quá trình xây dựng, khoanh vùng những khu vực được phép xây chung cư mini, đặc biệt phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm về PCCC.

Về lâu dài, việc quản lý các chung cư mini cần được xem là một trong những nội dung của công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, xác định rõ phân khu phát triển, khai thác tối đa lợi thế, đồng thời chú trọng các yếu tố hạ tầng kỹ thuật xung quanh.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ, nhà ở nhiều tầng kiểu chung cư của các hộ gia đình là loại hình nhà ở khá phức tạp, đã được Nhà nước cho phép nhưng cần nhiều điều kiện để có thể tồn tại, trong đó có yêu cầu PCCC… Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dù chưa thông qua nhưng đã thống nhất UBND cấp tỉnh nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể đối với loại hình nhà ở này. Hy vọng, thành phố Hà Nội sẽ nhanh chóng thẩm định và có quy chế riêng đối với loại hình nhà ở chung cư nhiều tầng của các hộ gia đình, cá nhân để quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân: Tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.