Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng, 6ha rừng.
Sáng 21-8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đồng chủ trì hội nghị. Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội thành phố; đại diện Bộ Công an, các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Chủ động, tích cực giảm thiểu cháy, nổ
Báo cáo tình hình công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng, 6ha rừng.
Tình hình cháy những năm qua được kiềm chế, kiểm soát, đã giảm ở cả 3 tiêu chí; tất cả các vụ cháy xảy ra đều được điều tra làm rõ về nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp công tác quản lý nhà nước được toàn diện hơn. “Có thời điểm đến 96% số vụ cháy có nguyên nhân từ chập, cháy điện”, Đại tá Dương Đức Hải thông tin.
Để giảm thiểu cháy, Đại tá Dương Đức Hải cho biết, Công an thành phố đã chủ động tiến hành các giải pháp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, sau khi tuyên truyền, vận động đã có 102.034 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh (đạt 94,1%), 1.496.239 hộ nhà ở hộ gia đình (đạt 91,3%) mở “lối thoát nạn thứ 2”; 620.938 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình; 784.161 hộ gia đình đã tự trang bị 733.047 dụng cụ phá dỡ thô sơ...
Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 7.313 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng.
Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2023 có 928 vụ việc (chiếm trên 70% tổng số vụ việc) được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh, trong đó có 428 vụ được người dân dùng bình chữa cháy tự trang bị để dập tắt (chiếm 32,4%).
Tuy nhiên, theo Đại tá Dương Đức Hải, Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy nhiều nhất cả nước. Trong khi đó, công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác này chưa đáp ứng yêu cầu. Điển hình là còn nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ có chiều dài hàng trăm đến hàng nghìn mét; hệ thống trụ nước, bể nước, trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu.
Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Nhiều vấn đề đặt ra
Tại hội nghị, chia sẻ những khó khăn trong công tác khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, ông Nguyễn Văn Du, chủ hộ kinh doanh karaoke 5 Sao (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho rằng, việc phải thiết kế, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với yêu cầu trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới rất nhiều khó khăn cho cơ sở khi phải đáp ứng khối lượng bể nước lên tới 150 -250m3; bên cạnh các yêu cầu về phân tán thang bộ thoát nạn, hệ thống hút khói hành lang…
Trưởng ban Quản trị chung cư Mulberry Lane (quận Hà Đông) Trần Duy Độ cho rằng, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải song hành với đại diện chủ sở hữu của cư dân là Ban quản trị.
“Tuy nhiên trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì quy định này chưa rõ ràng, chưa sâu sát, dẫn đến khi có sự cố cháy xảy ra, chủ đầu tư hầu như không có trách nhiệm gì”, ông Trần Duy Độ nêu thực tế.
Theo Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình Nguyễn Bá Suốt, hiện nay, các văn bản quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xăng dầu còn chung chung, chưa trực tiếp, liên quan đến Bộ Xây dựng và Bộ Công an với đặc thù riêng, dẫn đến rất khó thực hiện. “Đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để đơn vị dễ thực hiện”, ông Nguyễn Bá Suốt nói.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ Lê Minh Nghĩa cho rằng, các quy định về thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành và trang bị xe chữa cháy chuyên dụng đối với các khu công nghiệp hiện nay chỉ phù hợp đối với các khu công nghiệp bắt đầu thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư cho dự án (ngay sau khi được phê duyệt chủ trương) hoặc đang đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư tại thời điểm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy điều chỉnh trở đi; với các khu công nghiệp hoàn thành việc đầu tư, đi vào hoạt động trước thời gian pháp luật điều chỉnh thì không phù hợp. Do đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; các Nghị định và Thông tư liên quan cho phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với công trình thuộc Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND; các công trình chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động; các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất vi phạm; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke….
Cho biết, việc phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tới UBND các phường mà lực lượng thực hiện chủ chốt là công an phường đã triển khai, song Trung tá Nguyễn Hùng Nam, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai nhận định, lực lượng này còn kiêm nhiệm nhiều việc, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy chưa đầy đủ nên công tác tham mưu, triển khai thực hiện còn hạn chế. Từ đó, tại một số đơn vị, việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích đề ra…
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thường xuyên có sự điều chỉnh bổ sung, thay thế nhưng vẫn còn nhiều bất cập, có nội dung chưa thống nhất, gây khó khăn và lúng túng trong quá trình áp dụng. Chưa có quy định công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các đối tượng không được phép hoạt động dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, không được giải quyết triệt để.
Đại tá Dương Đức Hải kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với thực tiễn. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là quy định đối với một số loại hình cơ sở đặc thù…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận các ý kiến cử tri phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, chuyển tải được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đây là dịp rất hữu ích để lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Khẳng định với địa bàn Thủ đô khối lượng công việc trong công tác phòng cháy, chữa cháy là rất lớn, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết, thành phố rất cố gắng để bảo đảm điều kiện cho công tác này, từ chế độ chính sách đến đầu tư hạ tầng, tuy nhiên cũng cần sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành và nhân dân.
“Với trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, các ý kiến cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp để cập nhật, hoàn thiện pháp luật”, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.