(HNMO) - Vụ đông, vụ xuân, diện tích trồng rau được mở rộng, kết hợp với thời tiết thuận lợi nên sản lượng cao. Những ngày vừa qua, giá rau xanh tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội chỉ bằng 1/3 so với trước đó. Thế nhưng, tại các vùng trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, rau vẫn được thu mua với giá ổn định. Thực tế đó cho thấy, để có “đầu ra” ổn định, cần phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn.
Giá rau ở vùng sản xuất theo chuỗi liên kết vẫn ổn định
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Nội, vụ đông 2020, toàn thành phố gieo trồng 28.351ha rau màu các loại. Đến nay, diện tích cây vụ đông đã thu hoạch đạt 27.127,9ha. Cùng với sản xuất vụ đông, Hà Nội cũng đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ xuân được 7.104,7ha, chủ yếu là: Ngô, lạc, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại...
Về sản xuất rau của Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện nay, hạ tầng thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng đến tận chân ruộng. Thành phố và các huyện cũng đều có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất rau, màu vụ đông, vụ xuân sau 2 vụ lúa chính trong năm, do vậy, diện tích được mở rộng. Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời tiết thuận lợi nên rau màu phát triển tốt, sản lượng cao.
Khảo sát tại các vùng trồng rau của Hà Nội cho thấy, giá bán rau giữa các vùng trồng rau an toàn có liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp và các vùng trồng rau tự phát có sự chênh lệch nhau. Cụ thể, giá súp lơ xanh bán tại các vùng trồng không có liên kết chuỗi là 3.000 đồng/cây, su hào 2.000 đồng/củ, cà chua 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các vùng trồng có liên kết chuỗi, giá cao hơn: Súp lơ xanh là 5.000 đồng/cây, su hào 3.000 đồng/củ, cà chua 10.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Khắc Đạo, người trồng rau lâu năm tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, ông đã tham gia chuỗi liên kết, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên trồng rau ổn định quanh năm. "Lúc thị trường rau khan hiếm, chúng tôi không bán được giá cao, nhưng ngược lại, khi giá rau rẻ như hiện nay, doanh nghiệp vẫn thu mua với giá bình ổn", ông Đạo chia sẻ.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, hợp tác xã đã đứng ra xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, với hơn 60% số xã viên đăng ký tham gia - tương đương sản lượng rau thu hoạch trên tổng diện tích gần 20ha. Đặc biệt, xã có 5ha rau trồng trong nhà lưới được các đơn vị bao tiêu sản phẩm thu mua ổn định, giữ giá theo hợp đồng.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết thêm, đơn vị có hơn 200ha sản xuất rau tập trung, ước thu nhập mỗi héc ta lên tới gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, hợp tác xã tiêu thụ được 20% đến 30% sản phẩm rau xanh cho nông dân theo chuỗi, còn lại nông dân vẫn phải tự tiêu thụ. Với diện tích nông dân tự tiêu thụ, vụ rau này, giá xuống thấp, nông dân sản xuất không có lãi.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh liên kết chuỗi
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định: “Với diện tích và sản lượng rau màu như hiện nay, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố. Hà Nội mới chỉ đáp ứng 65% nhu cầu rau xanh, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố. Việc dư thừa rau vào những thời điểm nhất định trong năm chỉ mang tính thời vụ".
Mặt khác, tính riêng diện tích trồng rau an toàn, thành phố đã hình thành 101 vùng trồng tập trung với quy mô từ 20ha trở lên/vùng; 45 chuỗi tiêu thụ rau an toàn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ gia đình trồng rau; số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu rau an toàn là 208 đơn vị, với số lượng tiêu thụ trung bình khoảng 42 tấn/ngày. Tuy nhiên, so với sản lượng rau an toàn của thành phố sản xuất mỗi ngày cung ứng ra thị trường thì lượng tiêu thụ trên vẫn là con số khiêm tốn. Nguyên nhân chính do các vùng trồng rau của Hà Nội chủ yếu quy mô nông hộ, sản lượng nhỏ lẻ. Trong khi đó, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối khi ký hợp đồng liên kết đều đưa ra những tiêu chuẩn, quy định phù hợp với các mô hình trồng rau an toàn quy mô lớn.
Những năm gần đây, sản xuất rau an toàn có những bước phát triển đáng ghi nhận, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Trên thực tế, với những diện tích sản xuất có liên kết theo chuỗi, giá bán sản phẩm luôn ổn định so với diện tích rau không có liên kết. Và có thể khẳng định, việc phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ nông dân, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Hà Nội.
Để thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngoài việc định hướng để nông dân sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn trên quy mô lớn, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hai bên cùng có lợi.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu UBND thành phố bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rau an toàn theo chuỗi, hỗ trợ hơn nữa cho khâu tiêu thụ, trực tiếp là người bán hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.