Trong nhịp sống hiện đại, tình trạng trẻ em gặp phải những vấn đề về tâm lý, dẫn đến các biểu hiện tiêu cực, như: Trầm cảm, gây ra bạo lực học đường, vi phạm pháp luật… không phải chuyện hiếm gặp. Vì vậy, việc tư vấn tâm lý, hỗ trợ trẻ em vượt qua áp lực trong học tập và cuộc sống có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay.
Muôn hình vạn trạng các vấn đề tâm lý ở trẻ em
Có em học sinh học giỏi, thi đỗ trung học phổ thông năm 2022 ở trường thuộc tốp đầu với mức điểm cao, khiến cả nhà tự hào. Năm nay, chuẩn bị lên lớp 11, em bỗng trở thành mối lo của cả nhà, nguyên nhân là đêm nào em cũng chơi game tới tận khuya, bạn chơi toàn người nước ngoài. Từ một học sinh ngoan, cởi mở, giờ đây em ngày càng sống khép mình, không thích đi chơi cùng gia đình, chỉ sôi nổi hào hứng khi trò chuyện, đấu game với bạn trên mạng. Bố mẹ dùng biện pháp mạnh, tăng cường kiểm soát, không cho chơi khuya, em phản ứng gay gắt, mang chiều hướng tiêu cực.
Những tình huống tâm lý bất thường ở trẻ, đặc biệt là trẻ dậy thì, tương tự như trường hợp trên, có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ đánh nhau, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề không phải hiếm. Ngoài ra, không ít trường hợp trẻ em tỏ ra chán nản, mệt mỏi, bi quan, thiếu tự tin vào năng lực của bản thân trước áp lực học tập. Có những em ăn không ngon, ngủ không yên, căng thẳng, lo âu, mất tập trung, buồn bực, chán học, sợ học, trầm cảm, thậm chí, một số em còn nghĩ tới việc tự tử để được giải thoát…
Thông tin từ Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2023 vừa được tổ chức cho thấy, tình trạng bạo lực, lạm dụng game online, bị xâm hại tình dục, lạm dụng chất kích thích, khủng hoảng tâm lý, một số rối loạn tâm thần và các khó khăn khác trong học tập xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Trước thực trạng đó, hoạt động tư vấn tâm lý được kỳ vọng sẽ giúp cho các em nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội. Từ đó, giúp các em tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống, cải thiện các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè...
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Nhấn mạnh vai trò của các dịch vụ hỗ trợ xã hội, các thầy, cô giáo, nhân viên tư vấn trong việc tư vấn, tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp khi các em gặp phải tình huống khó khăn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đánh giá: Hoạt động tư vấn tâm lý được quan tâm sẽ giúp các em nhỏ có được cảm xúc tích cực, đưa ra được những quyết định phù hợp để giải quyết tình huống khó khăn các em gặp phải. Vì vậy, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội, đồng thời quan tâm, hỗ trợ các em nhỏ có vấn đề khúc mắc một cách kịp thời để các em ổn định tâm lý.
Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trần Thu Hương, cũng có những tham vấn mang ý nghĩa thực tế trong hỗ trợ giải quyết vấn đề chấn thương tâm lý liên thế hệ ở trẻ em. Khẳng định trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng con em mình trong một môi trường lành mạnh, giáo dục con bằng các biện pháp tích cực, không dùng bạo lực cả về thể chất và tinh thần, chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương lưu ý: Người lớn trong nhà cần làm gương cho con cháu về cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn không dùng bạo lực. Đồng thời, cần quan tâm tới tâm lý của con cái, luôn đồng hành cùng con, dành thời gian lắng nghe con trò chuyện, chia sẻ về những vấn đề mà con gặp phải để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ con.
Trẻ em cần tư vấn giải quyết các khúc mắc có thể gọi đến Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111, hoặc đường dây nóng 0243.2233.111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để được nhân viên tư vấn kết nối các chuyên gia tâm lý hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, có những trường học đã triển khai bố trí Phòng Tư vấn tâm lý để thực hiện việc tư vấn, tham vấn tâm lý cho học sinh. Tuy nhiên, đáng tiếc là không nhiều học sinh chủ động đến Phòng Tư vấn tâm lý để tìm kiếm sự trợ giúp, do nhiều em e ngại bị bạn bè trêu chọc, sợ thầy cô la mắng, sợ bị lộ thông tin cá nhân.
Để khắc phục tình trạng này, theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, người làm công tác tư vấn tâm lý cần được tập huấn, đào tạo kỹ năng để có khả năng thiết lập và duy trì được mối quan hệ hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp, gây dựng được niềm tin đối với học sinh cần tư vấn. Bên cạnh đó, cần biết nhận định các vấn đề về bệnh tâm lý, tinh thần, gia đình, bạo hành trẻ em, hiểu một cách sâu sắc về vấn đề học sinh cần tư vấn. Đặc biệt, nên nghe nhiều hơn nói, không áp đặt, thảo luận những chủ đề nhạy cảm mà không tạo cho học sinh cần tư vấn mặc cảm, xấu hổ hay sợ hãi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.