Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường

Nhóm phóng viên| 14/02/2023 16:09

(HNMO) – Không ít học sinh ở lứa tuổi cuối bậc học THCS và THPT có diễn biến tâm lý thất thường. Tuy nhiên, công tác tư vấn tâm lý học đường lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thay đổi điều này.

Nhu cầu được tư vấn tâm lý của học sinh là rất lớn.

Rất cần được tư vấn tâm lý

Nghiên cứu mới đây của nhóm giảng viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong tổng số gần 8.700 học sinh THCS và THPT được khảo sát, có 12,92% học sinh cảm thấy căng thẳng ở nhiều mức độ; 22,58% học sinh có trạng thái lo âu và 13,62% có biểu hiện trầm cảm.

Chị Nguyễn Phương Trang, phụ huynh học sinh có con theo học tại một trường THPT ở quận Gò Vấp chia sẻ câu chuyện liên quan đến tâm lý lứa tuổi mà chị biết: “Mẹ của một cháu phát hiện con trai mình thích bạn đồng giới, nên tâm sự với một giáo viên nhờ giúp đỡ góp ý. Tuy nhiên, cô giáo lại chọn cách kể chuyện của học sinh đó trước lớp khiến cháu bị tổn thương, phải tạm nghỉ học. Nếu có chuyên gia tâm lý học đường, chắc kết quả sẽ khác”.

Ngày 13-2, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh đối thoại với chuyên gia tâm lý - nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, Giảng viên khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động tư vấn định kỳ, được nhà trường tổ chức song song với Phòng Tư vấn tâm lý được duy trì thường xuyên tại trường và trên mạng xã hội.

Đông đảo học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tham gia trao đổi với chuyên gia tư vấn tâm lý.

Tại buổi đối thoại, có em bày tỏ nỗi lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nếu không đạt kết quả tốt, có thể sẽ gặp tương lai bất định; có em bày tỏ việc phải chịu sức ép lớn từ gia đình về kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè; có em lớp 10 băn khoăn về nội dung chương trình mới… Thực tế cho thấy nhu cầu của học sinh về tư vấn tâm lý là rất lớn.

Với bậc học THCS, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức khảo sát nhu cầu tư vấn tâm lý với 1.440 học sinh, 540 phụ huynh, 400 giáo viên và 140 cán bộ quản lý tại 13 trường THCS tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, đại diện nhóm nghiên cứu, các trường đều tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học sinh, nhưng chưa thường xuyên; chưa có cán bộ, chuyên gia chuyên trách công tác này mà vẫn kiêm nhiệm, chưa có tài liệu chuyên đề về tư vấn tâm lý… nên chưa thật sự thu hút học sinh và các bậc phụ huynh tham gia, dù các em có rất nhiều thắc mắc cần được giải đáp.

Cần chuẩn hóa tư vấn tâm lý học đường

Theo Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh), trước hết, cần có hình thức phù hợp để các em “trải lòng” tâm sự, sau đó có nơi, có người để các em cảm thấy được lắng nghe, chia sẻ, từ đó mới mang lại hiệu quả cao khi tư vấn tâm lý. Trường học là nơi các em gắn bó nhiều thời gian trong ngày, nên là nơi thuận lợi để các em bày tỏ và được giúp giải quyết các vấn đề đang gặp phải. 

Có môi trường phù hợp, học sinh sẽ không ngại chia sẻ.

"Không phải người lớn nào cũng giải đáp được những khúc mắc tâm lý của các em ở lứa tuổi này, nhưng các thầy cô và các bậc phụ huynh cần là cầu nối, là nơi các em tin tưởng chia sẻ các vấn đề của mình để các chuyên gia cùng vào cuộc, hướng dẫn”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.

Một số trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường theo cách này. Đơn cử, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức), từ học kỳ I năm học 2022-2023, nhà trường đã triển khai nhiều kênh để các em chia sẻ, như qua mạng xã hội, email, tin nhắn điện thoại, quét mã QR để truy cập trang liên hệ tư vấn. Các giáo viên chủ động nắm bắt, chia sẻ với các em và các phụ huynh, kịp thời giải quyết những bất ổn tâm lý của học sinh.

Còn tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cùng với các hình thức tiếp nhận tư vấn tâm lý online, nhà trường còn triển khai nhiều hình thức sinh hoạt ngoại khóa để học sinh cởi mở hơn trong giao tiếp và chia sẻ. Với các em có vấn đề tâm lý phức tạp, nhà trường lập hồ sơ được bảo mật để cùng chuyên gia tâm lý và gia đình theo sát, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn.

Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh sẽ phổ biến Sổ tay công tác tư vấn tâm lý học sinh đến các trường THCS.

Với cấp THCS, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan cho biết, nhóm nghiên cứu đã tập hợp các vấn đề trong cuốn Sổ tay hướng dẫn thực hiện quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. “Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ sớm phổ biến Sổ tay này đến các trường THCS trên địa bàn để cán bộ giáo viên tham khảo, thực hiện”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan thông tin.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Việc làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” mà  ngành Giáo dục đề ra lâu nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.