(HNM) - Cách đây 1000 năm - Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long là một sự kiện trọng đại trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, được người xưa coi là "ứng mệnh trời, thuận lòng dân, nhân thời mở vận, phong tục phồn thịnh".
Kinh đô Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội ngày nay là nơi địa linh nhân kiệt với bề dày lịch sử là nơi hội tụ tinh hoa của cả dân tộc qua các thời kỳ phát triển, rồi từ đây lại lan tỏa trên mọi miền đất nước, phát triển thành hệ thống giá trị của nền văn hiến Việt Nam. Các nghiên cứu khoa học về con người cổ xưa trên đất Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là báo cáo về Hoàng thành Thăng Long - được UNESCO vừa công nhận là Di sản văn hóa thế giới - đã khẳng định khá rõ ràng về cội nguồn lịch sử, nền tảng văn hóa, văn hiến của Việt Nam và tiến trình phát triển liên tục trong nhiều thế kỷ với các triều đại phong kiến Việt Nam độc lập.
Rồng thiêng, biểu tượng 1000 năm Thăng Long rực rỡ tại TP Hồ Chí Minh. |
Chức năng cơ bản của một trung tâm kinh tế - xã hội và văn hóa như kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội là hội nhập - hội tụ và lan tỏa - tỏa sáng. Văn hóa Thăng Long phát triển theo quá trình mở rộng cương vực lãnh thổ quốc gia về phía Nam. Suốt chiều dài lịch sử của đất nước đã chứng minh sự lan tỏa nền văn minh, văn hiến Việt Nam vốn có nguồn gốc và mang đặc trưng của nền văn minh sông nước từ Thăng Long đến Phú Xuân, Ngũ Quảng rồi theo mạch nguồn chảy tận Đồng Nai - Gia Định, Cửu Long. Các sự kiện lịch sử trên đường Nam tiến của cha ông ta với biết bao công trạng của các bậc tiền nhân, các vị tiền bối và nhân dân lao động, đã tạo nên nhiều dạng thức văn hóa độc đáo vừa mang dấu ấn gốc nguồn Thăng Long đất tổ, vừa được bồi bổ thêm, cách tân do tiếp thu, cải biến, sáng tạo nên, rồi phát triển không ngừng trên những tọa độ địa lý lịch sử vùng đất phương Nam - nơi có những điều kiện thiên nhiên, xã hội và quan hệ giao lưu mới trong bối cảnh lịch sử mới.
Theo chiều dài của đất nước, cả về không gian địa lý, cả về thời gian lịch sử, Sài Gòn - Gia Định được hình thành là mốc son khẳng định sự hoàn thành xuất sắc công cuộc mở mang bờ cõi đầy gian lao mà rất đỗi vĩ đại, anh hùng của dân Việt đã nâng cao tầm vóc của dân tộc ta. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, Nam bộ trong quá trình lao động vất vả và sáng tạo của bao lớp người trong sự nghiệp cải biến vùng đất hoang vu, bưng phèn lau lách thành những "cánh đồng phì nhiêu, xóm làng trù phú", "phố phường đông đúc"… và đấu tranh kiên cường để mở mang, gìn giữ, giành lại sự vẹn toàn bờ cõi đất nước Việt Nam. Đó là công lao, là sản phẩm của cả nước; cả nước bắt nguồn từ đất tổ, từ trái tim Thăng Long - Hà Nội tạo ra Sài Gòn, Nam bộ, không phải gián tiếp mà là trực tiếp, từ những nhát cuốc khai hoang mở đất đầu tiên cho đến đại quân cuồn cuộn cùng nhân dân giải phóng thành phố và miền Nam để có được TP Hồ Chí Minh tráng lệ, có miền quê Nam bộ trù phú như ngày nay. Vì vậy, mà mối quan hệ giữa Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, Nam bộ với cả nước nói chung, với kinh thành - Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay nói riêng là một quy luật tất yếu, được hiện diện trong mọi thời kỳ lịch sử… Cũng như Thăng Long - Hà Nội, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thu hút cư dân bốn phương, "người tứ chiếng" với tinh thần "tứ hải giai huynh đệ". Tính đa dạng ấy về mặt cư dân tạo nên tính đa dạng về tâm lý, tập quán, gắn bó nhau bằng tình thương yêu đùm bọc, bằng ý chí phấn đấu cho phồn thịnh của quê hương và Tổ quốc.
Từ cuộc Nam tiến 1945-1946 đã thể hiện sự gắn bó keo sơn, sát cánh của Hà Nội, miền Bắc với Sài Gòn - Gia Định, Nam bộ trong những ngày đầu quân dân ta giương cao lời thề giữ vững độc lập, tỏ rõ ý chí thống nhất non sông khi nền độc lập non trẻ bị đe dọa, đến "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam ruột thịt", lớp lớp thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; rồi "miền Bắc gọi miền Nam trả lời", quân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam bộ nói chung đã "chia lửa" với Thủ đô Hà Nội trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đã "vút lên theo rồng lửa Thăng Long - Hà Nội" trong những ngày đông rét mướt cuối tháng 12-1972. Một lần nữa, triết lý phát triển của Việt Nam, đạo nghĩa sống của con người đất Việt dù ở đâu, làm gì cũng đều được tỏa sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.