Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ sân đình đến rạp hát

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/11/2011 07:15

(HNM) - Từ biểu diễn ở sân đình đến rạp hát là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển các hình thức nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Mặt khác, việc ra đời rạp hát cũng làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của người dân, khi Hà Nội được đô thị hóa theo kiểu phương Tây vào đầu thế kỷ XX.


Một buổi trình diễn nghệ thuật tại đình làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam, hát chèo xuất hiện vào thời Lý, tuồng ra đời vào thời Trần, ca trù thì có hai nhận định khác nhau, một số cho rằng ca trù có từ thời Lý, số khác lại cho rằng loại hình nghệ thuật dân gian này bắt đầu từ thời Lê sơ và phát triển đến đỉnh cao ở Thăng Long nhờ hát nói. Ban đầu, tuồng là nghệ thuật cung đình nên chỉ diễn cho vua quan thưởng thức nhưng sau đó những tích tuồng cũng được diễn cho dân chúng xem và cũng như ca trù, chèo, hát xoan… tuồng được diễn tại miếu, đền hay những bãi đất trống ở chợ, bến sông, những nơi có nhiều người qua lại. Do ca trù thường được hát tại cửa đền còn được gọi là hát cửa đền. Cho đến hôm nay, lễ hội phồn thực Trò Trám với các điệu hát xoan ở xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ vẫn diễn ra ở miếu.

Địa điểm công diễn bắt đầu thay đổi khi những quán nghỉ của làng dần biến thành đình. Rất khó xác định ngôi đình nào ra đời đầu tiên ở Việt Nam song hầu hết nhà nghiên cứu lịch sử và kiến trúc đều thống nhất, đình làng xuất hiện vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc do sự ảnh hưởng của Nho giáo vốn phát triển mạnh trong giai đoạn này. Song dấu vết sớm nhất của việc thờ cúng thành hoàng ở đình làng chỉ thấy từ thế kỷ XVI. Từ khi có đình thì các trò diễn xướng, hát chèo, diễn tuồng, ca trù… chuyển từ đền, miếu sang đình. Thế nên ca trù mới sinh ra hát lễ với các điệu vẫn còn tồn tại đến ngày nay và người ta gọi là hát cửa đình. Việc chuyển từ hát ở miếu, đền những nơi có mặt bằng chật hẹp ra sân đình theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian thì vì sân đình rộng rãi và ở vị trí thuận tiện hơn. Làng có nghèo nhưng do đình là bộ mặt nên sân bao giờ cũng được lát gạch Bát Tràng. Sau nhiều thế kỷ, đình làng tồn tại với 3 chức năng: hành chính (nơi họp hội của các kỳ mục trong làng), tín ngưỡng (thờ cúng thành hoàng) và sinh hoạt văn hóa văn nghệ (hội hè, các trò chơi dân gian, mời các gánh hát về biểu diễn). Và tất nhiên sân đình ở các làng trong 36 phường của kinh đô Thăng Long là nơi thuận tiện nhất cho sinh hoạt nghệ thuật bởi Thăng Long Kẻ chợ không chỉ là nơi nghệ thuật phát triển mạnh mà còn có dân cư đông đúc, đó là điều kiện tốt cho các phường hát thu hút người xem. Các phường ở Thăng Long không chỉ có đình thờ thành hoàng mà còn có đình để dán niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình và dùng làm nơi yết bảng các vị tiến sĩ tân khoa trong một số khoa thi, đó là đình Quảng Văn. Theo sử liệu, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng đình này vào năm 1491. Đình được xây ở mé ngoài cửa Đại Hưng (cửa phía Nam thành Thăng Long - nay là khu vực Vườn hoa Cửa Nam) và theo mô tả của Bùi Xương Trạch trong "Bài ký Quảng Văn đình" soạn năm 1493 thì "lầu phượng cao ngất phía trước, thành rồng bao quanh ở ngoài, ngòi nước và đường dân vệ ở quanh tả hữu". Thời Nguyễn, đình Quảng Văn được đổi tên thành đình Minh Chiêu rồi Quảng Minh làm nơi niêm yết giấy tờ của bộ máy cai trị tỉnh Hà Nội. Dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức các quan tỉnh hằng tháng thường họp các bô lão, hương chức trong tỉnh tại đây để nghe giảng thập điều (10 điều trung - hiếu - tiết - nghĩa). Và để những niêm yết có nhiều người xem, các triều vua đã cho phép phường hát biểu diễn ở đây. Nhiều ngôi đình ở đất Thăng Long - Hà Nội còn tôn thờ những người có công lập ra nghiệp hát làm thành hoàng như đình thờ tổ ca trù ở Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Đình Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) còn dấu tích của Lê Đức Mao (sinh năm 1462) là người đầu tiên sáng tác ca trù bằng chữ Nôm và bài "Bát giáp thưởng đào văn" được hát tại đình làng này. Còn ở 17 phố Hàng Chai (quận Hoàn Kiếm) trước năm 1945 vẫn tồn tại một ngôi đình thờ tổ sư nghề hát ả đào. Đầu thế kỷ XX, ngôi đình này có mặt bằng khá rộng trước cổng có dòng chữ "Lạc thiên đình", hai bên có đôi câu đối. Vào ngày 13-1 âm lịch hằng năm, những người hát ả đào đất Thăng Long kéo nhau về đây, trước là làm lễ giỗ tổ sau là tổ chức thi hát. Cái hay của sân khấu sân đình chính là sân khấu 3 mặt, người xem quây xung quanh và giữa họ với các nghệ sỹ dân gian có sự giao lưu trực tiếp, điều này dễ dàng làm cho người xem cảm nhận ngay được cái hay cái dở của đêm diễn và nó buộc các nghệ sỹ phải không ngừng tu luyện nghề nghiệp.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858 và sau đó chiếm các tỉnh Nam bộ rồi đánh thành Hà Nội năm 1882 thì xã hội Việt Nam có sự thay đổi lớn. Tại Hà Nội, thực dân Pháp bắt đầu quy hoạch và phát triển thành phố theo mô hình phương Tây, Pháp cho người đốt nhà lá ở quanh khu vực Hồ Gươm rồi tung tin là hỏa hoạn, buộc họ phải xây nhà gạch. Hàng hóa của nước ngoài bắt đầu xuất hiện khiến việc buôn bán tấp nập hơn, điều này báo hiệu ra đời tầng lớp thị dân mới của Hà Nội. Một thay đổi lớn trong biểu diễn nghệ thuật là sự ra đời của rạp hát đầu tiên theo kiểu của phương Tây, nghĩa là có sàn diễn, có ghế ngồi xuất hiện ở phố Hàng Cót (nay là Trường Tiểu học Thanh Quan). Rạp Hàng Cót xây năm 1887 do một công ty của Hoa kiều bỏ tiền nhưng đứng tên lại là Nico, một bác sỹ người Pháp. Rạp Hàng Cót chuyên cho các gánh tuồng từ Trung Quốc qua diễn thuê, thỉnh thoảng ở rạp cũng có các nhóm nhạc từ Pháp sang biểu diễn. Ghế ngồi là ghế băng, ánh sáng ban đầu là nến sau đó chuyển sang đèn dầu. Tiếp theo rạp Hàng Cót là rạp của nhà Thông Sáng ở phố Lương Văn Can với cái tên Kinh Kỳ hý viện. Thông Sáng là rạp hát tuồng đầu tiên của người Việt Nam ở Hà Nội. Đối diện với Thông Sáng là rạp Năm Chăn, gọi là nhà hát nhưng thực ra chỉ là mấy ngôi nhà dài và rộng, mỗi khi diễn tuồng người ta dẹp bỏ đồ đạc, khán giả quây quanh chiếc đèn treo 3 dây. Về sau Năm Chăn được cải tạo thành rạp chiếu bóng Tonkinois (nay là trụ sở của Nhà hát Ca múa nhạc Hà Nội). Chủ của Tonkinois là một anh Tây lai lấy vợ Việt. Rạp chuyên chiếu phim trinh thám và phiêu lưu nhiều tập. Năm 1928, lần đầu tiên Tonkinois chiếu phim có tiếng. Sau Thông Sáng và Năm Chăn là Quảng Lạc (nay là số 8 Tạ Hiện do Nhà hát Kịch Hà Nội quản lý). Quảng Lạc xây vào năm 1900 có chiều rộng khoảng 15 mét, chiều dài khoảng 29 mét, vì rạp nằm giữa khu phố có rất nhiều người Hoa mở hiệu ăn nên vào mùa hè, mùi thức ăn gây khó chịu cho khán giả nên chủ rạp đã cho mắc hai dãy quạt kéo (hình chữ nhật, dán giấy dó loại dày và dai) khi có suất diễn, chủ rạp cho mấy thằng nhỏ kéo quạt để xua bớt mùi thức ăn và cái nóng. Có chuyện vui là một diễn viên tuồng do khan giọng mất tiếng hát không thành lời nên cậu bé kéo quạt hát nốt câu còn lại. Sở dĩ nó thuộc vì ngày nào cũng được nghe hát. Tuồng vắng dần khán giả, Quảng Lạc chuyển sang diễn cải lương vào năm 1935 và diễn ở đây phần lớn là các ban từ Nam ra. Tới năm 1940 rạp chuyển thành nơi diễn chính của Nhật Tân ban. Nhật Tân ban do các ông Doãn Bá Chính, Trần Quang Cầu lập khoảng năm 1935. Diễn tại Quảng Lạc còn có Quốc Hoa ban với những diễn viên: Tư Ban, Bá Quyền, Hải Tý, Bích Lộc, Phước Thọ, Tuấn Sửu, Bích Hợp, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Được (sau năm 1954, Tuấn Sửu, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư... tiếp tục hát và trở thành các nghệ sỹ cải lương nổi tiếng cả nước). Khoảng năm 1920, Hà Nội có thêm rạp Thăng Long (số 72-74 phố Hàng Bạc) là nơi diễn tuồng và chèo. Năm 1925 rạp chuyển sang diễn cải lương và đổi tên là Cải lương hý viện rồi Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng).

Còn nữa

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ sân đình đến rạp hát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.