Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ những chuyện tưởng là nhỏ

Quốc Bình| 23/06/2010 07:35

(HNM) - Đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua tại Hà Nội đã tác động không nhỏ tới không khí (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 21 HĐND TP dự kiến khai mạc ngày 12-7 tới.

Điện là một trong những vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm. Ảnh: Ngọc Hà


Điện làm nóng... phòng họp

Hiếm có đợt tiếp xúc cử tri (TXCT) nào mà thời tiết lại ảnh hưởng trực tiếp tới những kiến nghị của cử tri như đợt này. Không khí oi bức của tiết trời trên dưới 40 độ C cũng không ngăn sự góp mặt đông đủ của cử tri trong các cuộc tiếp xúc. Chủ đề được cử tri nói nhiều nhất chính là chuyện cúp điện, cúp nước xảy ra trong đợt nắng nóng kỷ lục này. Nhiều cử tri phản ánh, điện bị cắt, bị mất rất bất ngờ, không được báo trước. Lịch cắt điện mà Điện lực Hà Nội thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng không được tuân thủ chính xác. Nhiều nhà có điện mà không dám dùng, họ lo đồ điện sớm hỏng vì điện không ổn định. Cử tri nội thành kêu phải khổ sở chạy đi trốn nắng vì mất điện, còn cử tri ngoại thành dường như đã quen với chuyện mất điện thường xuyên, chỉ than vãn nhiều lúc có điện nhưng yếu quá, dùng mà chẳng khác gì không dùng.

Sự "phập phù" của điện kéo theo những khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt. Công ty KDNS TP cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi mà hơn 80 lần mất điện, hơn 70 lần không được báo trước, ảnh hưởng xấu đến công suất sản xuất và áp lực cấp nước sạch sinh hoạt. Chính vì vậy, nhiều khu vực đã chịu cảnh mất điện, lại chịu thêm cảnh bị cúp nước. Một số cử tri phân tích rằng nguyên nhân không chỉ do việc xử lý trong các tình huống cụ thể của ngành điện chưa tốt, mà còn vì đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành điện chưa theo kịp sự phát triển của dân cư. Một cử tri quận Cầu Giấy cho biết, có những khu vực như phường Nghĩa Tân, một số nhà chung cư mới đã lấp đầy với hàng trăm hộ dân nhưng các trạm biến thế… vẫn thế, nên cứ đến giờ cao điểm là điện lại "nhảy áttômát". Có người còn bình luận "Át tô mát những ngày này đang nhảy đít-xcô". Cử tri có lẽ chưa nói hộ được những bức xúc mà việc cúp điện, cúp nước tác động tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Khi nghe thông tin ngành điện lý giải việc cắt, cúp điện là để phục vụ các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cử tri lại càng bức xúc. Có người nói, TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình là đương nhiên, nhưng trong quá trình thực hiện, nảy sinh bất cập, là cấp dưới phải biết kiến nghị với TP. "Làm người thực thi, phải tùy cơ ứng biến. TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ là đương nhiên, nhưng trong quá trình thực thi nảy sinh vấn đề thì phải biết tham mưu, đề xuất chứ." - một cử tri đánh giá. Một số cử tri còn nhận định, việc sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp của ngành điện cũng rất cứng nhắc. Tại sao không lùi đến lúc trời dịu mát hơn để thực hiện mà để đến khi dư luận bức xúc, UBND TP phải ra chỉ đạo mới làm theo. Có thể nói, tính linh hoạt, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm trong công việc của một số cơ quan chức năng vẫn còn rất nhiều điều phải phàn nàn.

Những chuyện tưởng nhỏ, nhưng không nhỏ
Trong đợt TXCT này, số lượng kiến nghị liên quan đến đất đai, nhà ở vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Cuộc tiếp xúc nào cũng có những kiến nghị hay những lá đơn cả cũ và mới liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà ở, thậm chí có những cuộc từ đầu chí cuối, hầu như đều là kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này. Ví dụ như cuộc tiếp xúc tại phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), ngay từ đầu đã có 4-5 ý kiến chỉ xoay quanh những tranh chấp đất đai, nhà ở giữa hộ này với hộ kia. Những vụ việc như vậy, nghe thì tưởng là vụn vặt, đơn giản vì chỉ là giữa một, hai hộ dân với nhau. Thế nhưng khi cử tri nói ra mới thấy tính chất phức tạp của chúng. Chẳng hạn như trường hợp ông Phạm Quang Mật, cử tri phường này, chỉ là tranh chấp giữa hộ tầng trên và hộ tầng dưới mà ông đã 30 lần chuyển đơn, được phường hứa xử lý nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Từ nhiều năm nay, ở mỗi đợt TXCT của HĐND TP và của cả QH, những kiến nghị cử tri ở tầm rất "vi mô" như thế có rất nhiều. Sở dĩ như vậy, vì đối với các kiến nghị dạng này, thẩm quyền xử lý thường do chính quyền cấp phường, xã, quận, huyện, nên các kiến nghị này thường được chuyển lại xuống cấp cơ sở. Khi cấp địa phương tắc trách, trì trệ trong xử lý, cử tri cứ phải kiến nghị hết kỳ này đến kỳ khác. Lâu nay, những người tổ chức TXCT vẫn mong muốn tiếp xúc ở cấp nào, cử tri sẽ phát biểu đúng tầm ở cấp đó. Nhưng có lẽ chưa bao giờ, những kiến nghị "vụn, vặt" như thế không xuất hiện. Không thể trách cử tri, mà chỉ có thể trách chính những cơ quan chức năng chưa giúp dân giải quyết được vấn đề tưởng là nhỏ của họ.

Thiết nghĩ, HĐND TP cũng nên thể hiện vai trò giám sát của mình trong việc này, để trước là tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, sau là giúp nâng cao chất lượng các cuộc TXCT, để tiếp xúc ở cấp nào, phát biểu tương ứng với thẩm quyền của cấp đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ những chuyện tưởng là nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.