Thị trường nước giải khát hiện đang chứng kiến một trong những hiện tượng marketing thú vị: Chiến dịch quảng cáo - tạm gọi là
1. Thị trường nước giải khát hiện đang chứng kiến một trong những hiện tượng marketing thú vị: Chiến dịch quảng cáo - tạm gọi là "cá nhân hóa" sản phẩm của hãng đồ uống Coca Cola tại Việt Nam. Theo đó, hãng đồ uống này tung ra thị trường những sản phẩm được in tên như "Bố yêu", "Mẹ yêu", "Pé yêu"... hoặc những thông điệp ngắn gọn như "Trăng phai quyến rũ"... Ngay lập tức, "chiêu trò" này của Coca Cola đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng. Tâm lý khách hàng đã bị "điểm" đúng "huyệt", đấy là được thể hiện yếu tố cá nhân của mình trên sản phẩm. Từ đây, Coca Cola tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch: Nhận in tên, thông điệp của khách hàng lên vỏ sản phẩm. Sự khác lạ của chiến dịch, ít nhất tại thị trường Việt Nam, đã tạo nên một cơn sốt đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Sản phẩm của Coca Cola trở nên nóng hầm hập trong khi hãng đồ uống này vốn dĩ là một trong những "con khủng long" trên thị trường đồ uống Việt Nam.
Thực hiện chiến dịch này, Coca Cola đạt được một lúc hai mục đích: Thứ nhất, quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu. Thứ hai, thành công về doanh thu. Cũng cần nói thêm, một sản phẩm Coca Cola thông thường khi đã được phù phép thành những Coca Cola "Bố yêu", Coca Cola "Mẹ yêu", Coca Cola "Trăng phai quyến rũ"... có giá đắt hơn rất nhiều so với sản phẩm thông thường. Nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời người phụ trách đối ngoại của Coca Cola tại Đông Nam Á cho biết: Đây là một trong những kỳ làm marketing thành công nhất của hãng từ trước đến nay.
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường cũng đánh giá như vậy.
2. Một trong những câu hỏi cần đặt ra ở đây là với việc kích cầu thành công của Coca Cola, chúng ta được lợi gì? Câu trả lời là: Hoạt động quảng cáo có thêm một hiện tượng thú vị; người tiêu dùng có thêm những niềm vui nho nhỏ... Tuy nhiên, đòi hỏi lớn nhất đối với một doanh nghiệp là đóng góp cho nền kinh tế - cụ thể là ngân sách nhà nước thì câu hỏi "chúng ta được lợi gì?" không dễ trả lời.
Liên quan "nghi án" chuyển giá nhằm trốn thuế thời gian qua, Coca Cola là một trong những cái tên cộm cán. Là một trong những "con khủng long" trên thị trường đồ uống Việt Nam nhưng nhiều năm liền, dù doanh số liên tục tăng Coca Cola liên tục... báo lỗ. Số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đến nay được thông báo lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp này tránh được phải nộp thuế. Sự việc Coca Cola Việt Nam không phải đóng thuế cho ngân sách nhà nước đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý. Phải nói thêm, điều đáng ngạc nhiên là trong khi báo lỗ nhưng Coca Cola vẫn thông báo sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Lỗ liên tục, kéo dài thì doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất để làm gì?
3. Trong những năm qua, không chỉ Coca Cola Việt Nam dính "nghi án" chuyển giá nhằm trốn thuế, rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn khác cũng được đưa vào tầm ngắm. Công bằng mà nói, chưa thể kết tội Coca Cola nếu "nghi án" chưa được làm rõ. Tuy nhiên, trở lại chiến dịch marketing được đánh giá là thành công nhất của Coca Cola Việt Nam đã đề cập ở phần đầu, nếu như người tiêu dùng không đón nhận một cách hồ hởi và với sản phẩm của doanh nghiệp này nói chung, nếu như người tiêu dùng thờ ơ thì đây rất có thể trở thành áp lực buộc "đại gia" Coca Cola phải minh bạch hơn. Bởi lẽ, lỗ liên tục, kéo dài thì chẳng doanh nghiệp nào dám tiếp tục hoạt động chứ chưa nói đến chuyện tăng vốn, mở rộng sản xuất.
Thực tế, người tiêu dùng có quyền lực (đối với doanh nghiệp), có thể góp phần cùng cơ quan chức năng làm lành mạnh hơn môi trường hoạt động cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc thực hiện các chính sách về thuế. Thậm chí, nhiều trường hợp, việc nói "Không!" của người tiêu dùng còn có sức nặng lớn hơn bất cứ một chính sách hay chế tài nào; nhất là trong bối cảnh cơ chế, chính sách ngăn chặn vấn nạn này còn chưa đầy đủ, chặt chẽ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.