Phim điện ảnh, phim truyền hình được chuyển thể từ truyện dài, tiểu thuyết đã quá quen thuộc với khán giả. Nhiều năm trở lại đây, một xu hướng mới chuyển thể theo chiều ngược lại, từ phim đến truyện, đã xuất hiện và cũng rất “ăn khách”.
Một trong những “chiêu” để dụ trẻ đọc sách được một số bà mẹ trẻ chia sẻ, đó là cho con bắt đầu từ những nhân vật hoạt hình yêu thích.
Tinker Bell, Elsa, Beck, Tangled, Remy, Bambi, Nemo, gấu Pooh... là những nhân vật trong các bộ phim hoạt hình của Disney từng chiếm trọn vẹn trái tim trẻ em trên thế giới, vì thế khi bước vào trang sách cũng mang đến một sức hút mạnh mẽ.
Bộ truyện hoạt hình Disney chuyển thể từ những siêu phẩm điện ảnh như “Đi tìm Nemo”, “Chú chuột đầu bếp”, “Câu chuyện đồ chơi”, “Ngôi nhà bay”, “Công chúa tóc mây”, “Nữ hoàng băng giá”, “Người máy biết yêu”, “Học viện quái vật”, “Gia đình siêu nhân”... kể lại sống động và chân thực những câu chuyện trên phim bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu và hấp dẫn. Bìa sách và một số trang minh họa màu được lấy từ cảnh trong phim dễ dàng “mở lối” đưa trẻ vào thế giới của chữ, cho trẻ thêm một lần được đắm mình vào câu chuyện hấp dẫn của phim qua chuyến phiêu lưu của ngôn từ.
Đưa các nhân vật từ hoạt hình bước ra trang sách còn có “Truyện tranh từ màn ảnh” cô đọng và lưu giữ trọn vẹn những thước phim, những khoảnh khắc ấn tượng trong nhiều bộ phim hoạt hình của Disney. Bộ truyện này gồm khoảng 25 cuốn như “Gấu Pooh xinh xắn”, “Vua Sư tử”, “Chú bé người gỗ”, “Dũng sĩ Hercules”, “Ralph đập phá”, “Thế giới côn trùng”, “Chú chó tia chớp”, "Vương quốc xe hơi”, “Chú nai Bambi”, “Hoa mộc lan”, “Bí mật của đôi cánh”...
Không chỉ với nhân vật hoạt hình, nhiều cuốn tiểu thuyết cũng đã được chào đời từ sau những bộ phim nổi tiếng. Bộ phim điện ảnh xuất sắc “The shape of water” (“Hình hài của nước”) từng giành 4 tượng vàng Oscar năm 2018 của đạo diễn Guillermo del Toro chẳng hạn.
Trên nền câu chuyện xảy ra trong phim, đạo diễn Guillermo del Toro cùng với tiểu thuyết gia Daniel Kraus đã xây dựng một bức tranh vừa khắc nghiệt lại vừa lộng lẫy và nhân văn về những con người thua thiệt bên lề xã hội.
Đặc biệt, khi đọc tiểu thuyết “Hình hài của nước”, độc giả cảm nhận rõ hơn chiều sâu của các nhân vật, có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn về tính cách, tâm tư cũng như những đấu tranh của nhân vật. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “tiểu thuyết “Hình hài của nước” còn hơn cả một tác phẩm chuyển thể lại từ phim”.
Tương tự, cuốn sách “Mê cung thần nông” được lấy cảm hứng từ bộ phim “Pan’s Labyrinth” đưa người đọc tới một thế giới phép thuật huyền ảo, kỳ bí, và không dành cho những người đọc yếu tim hay tinh thần kém vững. Cuốn tiểu thuyết là sự hợp tác táo bạo và khó quên giữa hai bậc thầy kể chuyện, đạo diễn - biên kịch Guillermo del Toro và nữ nhà văn Cornelia Funke.
Tại châu Á, chuyển thể sách từ phim, đặc biệt với các bộ phim ăn khách, cũng rất được đón nhận. Bộ phim đình đám một thời “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc từng gây tiếng vang khắp châu Á được coi là phim bom tấn truyền hình năm 2016, thì ngay sau đó năm 2017, nhà văn Hyun Kyoung Son đã chuyển thể kịch bản phim thành tiểu thuyết cùng tên. Các “fan chân chính” của bộ phim ở Việt Nam không thể không tìm đọc “Hậu duệ mặt trời” khi hầu hết tình tiết trong truyện giống với nguyên tác phim, bìa sách lấy theo hình ảnh phim và tặng kèm bookmark, poscard.
Không mang đến câu chuyện tình lãng mạn như “Hậu duệ mặt trời”, bộ phim “Chuyến tàu sinh tử” nghẹt thở trong từng phút cũng là hiện tượng của điện ảnh châu Á năm 2016, từng xô đổ nhiều kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc.
Tiểu thuyết chuyển thể “Chuyến tàu sinh tử” là một thử nghiệm mới mẻ của đạo diễn Yeon Sang Ho, chân thực, kịch tính và đầy xúc động. Miêu tả chi tiết và diễn tả nội tâm nhân vật sâu sắc của tiểu thuyết khiến cho độc giả ấn tượng lâu dài hơn về cái hay của bộ phim.
Diễn viên Gong Yoo, người thủ vai nhân vật ông bố đơn thân trong phim “Chuyến tàu sinh tử”, bày tỏ về tiểu thuyết chuyển thể rằng: “Cách triển khai đầy kịch tính, hình ảnh sinh động, câu chuyện pha lẫn nụ cười và nước mắt là những lý do khiến tôi không thể rời mắt khỏi cuốn tiểu thuyết này”.
“Gia đình trộm cắp” - cuốn tiểu thuyết khiến người đọc khắc khoải với câu hỏi “chúng ta thuộc về đâu?” cũng là tác phẩm chuyển thể từ bộ phim điện ảnh “Shoplifters” từng giành Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes năm 2018 của đạo diễn Kore-eda Hirokazu. Cuốn tiểu thuyết dung dị nhưng đầy xúc động “Gia đình trộm cắp” đã đến tay hàng trăm nghìn độc giả trên đất nước Mặt trời mọc và được chuyển ngữ tại nhiều quốc gia.
Từ sách đến phim hay từ phim đến sách đều là những cách làm mới tác phẩm, liên kết và bổ trợ lẫn nhau để mang đến những cảm xúc mới cho công chúng, đồng thời đem lại nguồn thu cho đội ngũ sản xuất.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số ít tác phẩm theo xu hướng này, như cuốn truyện trinh thám “Vũ điệu tử thần” được nhà văn Trần Thanh Hà viết từ kịch bản phim cùng tên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng; tiểu thuyết “Mẹ chồng” được tác giả Kim chuyển thể từ phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Lý Chính Thắng; hay tập truyện vừa “Đời có bao nhiêu lần cho ta đôi mươi” được tác giả Huỳnh Tuấn Anh - Nguyễn Duy Quyền phát triển từ kịch bản phim cùng tên do chính Huỳnh Tuấn Anh đồng đạo diễn với Lê Văn Anh và eNKee Nguyễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.