(HNMO) - Thời gian rồi cũng qua đi, phố xá nhà cửa, cái ăn, cái mặc của người Hà Nội cũng khác xưa nhiều. Nhưng có một thứ ít thay đổi là khẩu vị của người Hà Nội. Những món ăn mang tính chất đặc trưng của Hà Nội đang được nhân lên khắp các phố phường và toả đi muôn nơi.
Người Hà Nội vốn nổi tiếng về thanh lịch và sành điệu cả trong giao tiếp lẫn trong ăn uống. Vẻ đẹp nhẹ nhàng, cầu kỳ, trọng chất chứ không trọng số đã trở thành đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực Hà Nội. Người Hà Nội rất biết chọn nơi, chọn cửa để thưởng thức món ăn, và khi đã hợp khẩu vị ở đâu đó thì lại rất chung thuỷ.
Du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo trong ẩm thực Hà Nội xưa và nay trong Liên hoan Ẩm Thực Hà Thành 2010 (nằm trong chương trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ được tổ chức công phu tại Công viên Hồ Tây từ ngày 6/10- 11/10/2010.
Độc đáo ẩm thực Hà Nội xưa và nay
Đến với Liên hoan, du khách gần xa chắc khó có thể bỏ qua món bánh Tôm Hồ Tây. Ai đã từng đến Hà Nội chắc sẽ háo hức được một lần tìm đến bánh tôm nóng Tây Hồ, để có dịp thưởng thức thứ đặc sản có một không hai của đất này. Chỉ cần một lần thế thôi cũng đã thành ấn tượng. Bởi một lẽ ăn bánh tôm Hồ Tây đâu phải là ăn để mà ăn mà còn để ngắm trời, ngắm đất, ngắm người, ngắm cảnh.
Bánh tôm Hồ Tây đã từ lâu đi vào tuổi học trò. Mấy ai đi học trường Bảo Hộ xưa (nay là trường Chu Văn An) lại không biết mùi bánh tôm nóng trước cổng trường. Bây giờ không còn bà hàng bánh tôm trước cổng trường nữa mà đã có một nhà hàng bánh tôm đồ sộ sang trọng. Thời đại công nghiệp đã xoá nhoà hình ảnh người chao bột, rán bánh để cho người ăn "bâu" quanh, "gạ" chuyện và chờ "chộp" lấy cái bánh đầu tiên vừa chín tới cho mình. Cái thú ngồi xem người rán bánh bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Người dân Hà Nội cũng đã dần quen với ngồi bàn cao, ghế tựa, uống bia, ăn bánh cắt sẵn từ trong lò. Cái khẩu vị của người ăn bánh tôm xưa bây giờ đã bị đánh rơi ở đâu, từ lúc nào, nhưng cũng chẳng mấy ai bận tâm tìm lại.
Có lẽ với người Hà Nội biết ăn và sành ăn thì hình thức bán hàng chỉ là thứ yếu, mà cái quan trọng là bánh tôm Hồ Tây vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị cổ truyền của nó, để cho bất cứ ai muốn thưởng thức cũng phải bất ngờ cảm nhận được mùi vị ngon lành của bánh tôm rất nóng, rất ròn, rất thơm ngậy với thứ nước chấm pha có nghề với đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.
Trong các món ăn xưa của Hà Nội, món Chả cá Lã Vọng cũng đã thu hút không biết bao nhiêu thực khách. Vốn là một món ăn dân gian do gia đình họ Đoàn chế biến để bán trong thời gian chống Pháp, nhằm che mắt địch và tạo điều kiện cho hoạt động chống Tây của một nhóm người yêu nước được dễ dàng, Chả cá đã thành món ăn khoái khẩu của thực khách sành ăn Hà Nội.
Lâu dần, hai tiếng Chả cá được gọi thành tên phố và nó đã trở thành một trong những địa chỉ nổi tiếng của Hà Nội xưa - nay. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng ngồi bó gối câu cá bên dòng suối - biểu tượng của người tài giỏi nghĩa hiệp ưu thời mẫn thế phải thúc thủ đợi cơ. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên gọi và thương hiệu của nhà hàng.
Người sành ăn phải đợi đến khi cái rét bắt đầu về, đi ăn Chả cá mới ngon. Cá làm chả lại phải là cá Lăng thật tươi mới đúng vị, vì cá Lăng ít xương, lại ngọt thịt và thơm. Không có cá Lăng thì mới buộc phải dùng đến cá nheo, cá quả.
Người nướng phải khéo sao cho cá chín vàng đều hai bên sau đó gỡ ra bát, rưới mỡ đang sôi lên trên. Ăn chả phải ăn nóng, kèm với bánh Đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm, vắt nhiều chanh tươi đánh sủi lên rồi tra thêm một chút tinh cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng. Người ăn cứ thế nhấm nháp, nhẩn nha đàng hoàng, vừa ăn vừa nhâm nhi với chút rượu mạnh mới thấy hết cái hương vị đặc trưng có một không hai của món ăn lạ miệng này.
Tiếng mỡ nóng phi hành hoa kêu lép bép. Màu cá nướng vàng rộm thơm lừng đặt trên những lớp rau thì là xanh mướt, bên lò nướng than hồng rực, ấm áp cho ta cái cảm giác như đang được hưởng cái tinh tuý của đất trời nước non.
Có thể thấy, món ăn Hà Nội có nhiều, nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình trương lên cái biển Phở Hà Nội.
Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, tinh tế trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên.
Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm. Tất cả cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm nhẹ mà chân thật, tuyệt kỹ hài hoà. Phở Hà Nội là như thế, đó là cái ngon của tất thảy những chất liệu đời thường Việt Nam nhưng đã được bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm!
Mùa thu Hà Nội đang về, sắc thu vàng rộm rắc lên đất trời và người Hà Nội lại nhớ đến Cốm Vòng. Nói đến cốm, chưa cần ăn, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy thoảng lên mùi thơm dịu của lúa non xanh màu lưu ly được gói trong những chiếc lá sen thơm ngát màu ngọc thạch. Cốm Vòng quả là một thứ đặc biệt trong mọi thứ quà Hà Nội. Không biết tự bao giờ người làng Vòng ở huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội đã tạo được một món ăn tuyệt vời và độc đáo đến thế. Cốm Hà Nội mới đích thực là cốm, mà chỉ có cốm làng Vòng mới ngon, mới nổi tiếng. Kẻ Lủ cũng làm cốm, nhưng cốm Kẻ Lủ chỉ bán trong làng. Có người cho rằng, ở làng Vòng có giống nếp vàng, giống này khi còn non gặt về, đồ chín, giã nhanh, đều tay, sàng sảy, ủ kín mới có được cái loại cốm dẻo và thơm như thế. Còn màu xanh hấp dẫn đó thì do hồ thêm nước lá cơm xôi.
Hà Nội có mùa cốm. Sáng sớm tinh mơ đã có cốm. Cốm được gói từng gói trong lá sen. Cốm ăn bằng tay, lấy ngón tay nhón từng nhúm nhỏ đưa vào miệng, nhai nhỏ nhẹ, hương cốm thơm rất dễ chịu. Mua cốm là phải ăn ngay, nếu để lâu, cốm se lại, khô đi, mất độ dẻo. Cốm gói trong lá sen là để cho khỏi khô và đượm lấy hương thơm ngát của lá sen tơ, làm tăng thêm vị cốm. Cốm để khô có thể đem thắng nước đường làm món cốm xào. Đây cũng là món cốm người Hà Nội thích ăn. Ngoài ra cốm còn được làm thành món chả cốm rất ngon. Nhưng thích nhất vẫn là cốm tươi.
Từ lâu cốm và hồng đã thành một thứ quà sang trọng dùng trong các dịp vui mừng để biếu xén, lễ lạt. Màu xanh của cốm, đặt cạnh màu đỏ lựng của hồng, chỉ ngắm thôi cũng đã thấy thích mắt. Một thứ thì nhẹ nhàng thanh khiết. Một thứ thì chói lọi mà vương giả. Hai thứ đó tưởng chừng xung khắc nhưng khi ăn vào mới thấy sự sắp đặt của tạo hoá quả là tinh tế. Vị ngọt lịm của hồng nâng mùi thơm của cốm lên kết thành một giai điệu nhịp nhàng êm ái như anh hùng gặp gỡ thuyền quyên!
Tất cả những món ăn độc đáo trên của Hà Nội sẽ có mặt trong Liên hoan ẩm thực Hà Thành 2010.
Hội tụ món ăn ba miền
Bên cạnh đó, Liên hoan còn là nơi tái hiện hình ảnh buôn bán, sinh hoạt thường ngày của người dân trong các phiên chợ Việt mà biểu trưng là không gian văn hóa của 3 miền được tái hiện qua hình ảnh các chợ như: Đồng Xuân, Đông Ba và chợ Bến Thành. Đây là sự kiện hứa hẹn những trải nghiệm thú vị cho mỗi du khách khi đến với không gian văn hóa này.
Tính tất cả có tới 500 món ăn trong nước và 60 món ăn quốc tế (như món Thái, Nga, Bỉ, Pháp, Trung Quốc…) góp mặt tại Liên hoan. Có lẽ, ít có liên hoan nào lại tụ hội được nhiều món ăn đến thế, có nhiều hương thơm và màu sắc đa dạng đến thế. Du khách đến với Liên hoan ẩm thực Hà Thành 2010 không chỉ ngắm, thưởng thức, mà còn hiểu thêm về nét tinh tế của ẩm thực Hà Nội nói riêng và đất Việt nói chung.
Liên hoan ẩm thực Hà Thành 2010 là sự kiện độc đáo trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, du khách không thể bỏ lỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.