(HNM) - Tất cả những khu đất trống ven đường được dọn sạch, trồng cây bóng mát, dưới là hoa. Những tuyến đường có vỉa hè được đặt ghế đá. Thôn nào cũng có 2-3 khuôn viên để người dân vui chơi… Đó là những gì hiện hữu ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long vui vẻ cho biết: Đã qua cái thời phấn đấu để có cuộc sống no ấm, người dân nông thôn bây giờ cần phải đẹp, đẹp ngay từ cảnh quan làng xóm cho tới từng hộ dân để xứng với danh hiệu xã nông thôn mới (NTM).
Cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo chân cán bộ văn phòng xã Tứ Hiệp Nguyễn Bá Sao, chúng tôi lần lượt tham quan những "đường hoa" của xã. Mùa hè, trời càng nắng, hoa mười giờ càng nở thắm. "Thảm hoa" màu hồng, đỏ, cam, vàng đua nhau khoe sắc trên khắp các ngả đường từ thôn Cổ Điển A, Cổ Điển B đến Đồng Trì, Văn Điển... Được biết, để có những "thảm hoa" này, cách đây 3 năm xã đã đầu tư mua hơn 2,5 tấn giống hoa mười giờ; hàng vạn cây hoa chuỗi ngọc, sống đời; hơn 1.000 cây sấu... về trồng khắp các trục đường thôn. Kinh phí để mua cây, hoa giống lên tới 1,5 tỷ đồng, do nhân dân tự nguyện đóng góp.
Nhớ lại ngày đầu bắt tay xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trương Đức Long cho biết: Xây dựng NTM không chỉ có con đường mới, ngôi trường mới mà phải bắt đầu từ việc đổi thay môi trường sống người dân nông thôn. Đường làng, ngõ xóm ở Tứ Hiệp đã khang trang, nhưng trên tất cả các trục đường vẫn còn không ít hình ảnh chưa đẹp. Dưới đất, vẫn còn những điểm đổ phế thải, rác thải hoặc ô đất bị người dân tận dụng trồng rau hay dựng lều bán hàng... Trên cao, dây điện chằng chịt, biển quảng cáo rao vặt dán khắp nơi. Tháng 6-2013, Đảng ủy xã đã ban hành chương trình xanh, sạch, đẹp và triển khai đến từng ngõ xóm. Chủ trương đúng, trúng nên khi tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân xã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.
Quyết tâm thay đổi diện mạo quê hương, UBND xã Tứ Hiệp lên danh sách các tuyến đường cần giải phóng mặt bằng. UBND xã ra thông báo đến các hộ đang lấn chiếm đất công phải thu dọn cây cối, hoa màu để trả lại mặt bằng trồng cây xanh. Xã giao cho lãnh đạo thôn tổ chức mời các hộ đến để vận động, thuyết phục, tuyên truyền. Có mặt bằng, bà con trong thôn bỏ ngày công ra dọn dẹp để trồng cây, hoa. Bà Nguyễn Thị Thu, người dân thôn Cổ Điển A phấn khởi cho biết: "Thấy bà trưởng thôn kêu gọi, chúng tôi bàn nhau mỗi hộ góp 100 nghìn đồng, thuê xe ủi đến san phẳng các đống phế thải, dọn cỏ hai bên đường... để trồng cây". Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng thôn Cổ Điển A: Do chủ trương đúng, tuyên truyền tốt, 100% hộ đã trả lại đất công, không phải tổ chức cưỡng chế. Nhiều gia đình còn tự nguyện đóng góp phương tiện, ngày công để vận chuyển đất, đá, sỏi, rác… tạo mặt bằng sạch. Trong năm 2013, thôn Cổ Điển A đã thu được 60 triệu đồng người dân đóng góp để trồng hoa, cây xanh.
Hoàn thành xây dựng NTM (năm 2013) chỉ sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là thành tích nổi bật của xã Tứ Hiệp. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trương Đức Long cho biết, bên cạnh lợi thế gần đô thị và chợ, người dân Tứ Hiệp còn có điều kiện để phát triển kinh tế và chăm lo đời sống tinh thần. Khi đã có những tuyến đường hoa tươi đẹp, người dân đua nhau tặng ghế đá đặt ở các tuyến đường lớn, điểm công cộng. Đến nay, cả xã đã đặt 200 ghế đá và hàng chục bàn đá trên địa bàn. Xã còn giao Đoàn thanh niên đảm nhận xóa các biển quảng cáo rao vặt sai quy định và duy trì tốt từ đó đến nay. Đồng thời, triển khai bó gọn dây điện, vừa bảo đảm an toàn hành lang lưới điện vừa làm đẹp cho các tuyến đường. Thôn Văn Điển được chọn làm điểm để các thôn khác tham quan, học tập. Đến nay, cơ bản các thôn trên địa bàn xã đã bó gọn các tuyến đường dây… nên rất khang trang.
Ông Phạm Văn Hai, người dân thôn Cổ Điển A cho biết: "Địa phương đã duy trì việc tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm vào mỗi thứ bảy hằng tuần. Hằng ngày, các hộ đều tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm trước nhà, tập kết rác thải đúng nơi quy định. Đường sá sạch sẽ nên không ai nỡ vứt rác ra đường. Chúng tôi vẫn duy trì mỗi hộ dân đóng góp 50 nghìn đồng/năm để thuê người chăm sóc đường hoa cây xanh. Dân bỏ tiền ra nên ý thức bảo vệ, giữ gìn cũng cao".
Chưa bằng lòng với những gì đã có, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn đang ấp ủ nhiều dự định. Quỹ đất công của xã còn nhiều. Dù mỗi thôn của xã đều đã có từ 1 đến 3 khuôn viên vui chơi cho nhân dân nhưng xã vẫn muốn xây dựng thêm để tạo cảnh quan và nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Trước mắt, tại thôn Đồng Trì sẽ xây dựng 1 sân bóng và 1 khu vui chơi 1.500m2; thôn Văn Điển bố trí 2.800m2 để tăng cường các điểm vui chơi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho nhân dân. "Thảm hoa" quanh các xóm, thôn vẫn tiếp tục được chăm sóc, thay thế thường xuyên để mùa nào trong năm ở Tứ Hiệp cũng là mùa hoa và những tuyến đường hoa rực rỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.