(HNNN) - Năm 2020 vừa qua đã trở thành một năm thật khó quên, một năm khẳng định tinh thần kiên cường, quả cảm cùng những đóng góp thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Dũng cảm nơi tuyến đầu
Những ngày tháng cả nước căng mình chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện thường xuyên có mặt nơi tuyến đầu để chiến đấu với “giặc Covid-19”. Nhiều tháng liền trên tuyến đầu chống dịch, vị công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 đã tham gia sàng lọc hàng ngàn trường hợp nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân, trong đó có gần 20 ca nặng và nguy kịch.
“Dù có những lúc dịch “nóng” lên rồi tạm lắng nhưng công việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hơn một năm qua chưa lúc nào bớt căng thẳng. Ngoài các ca nhiễm trong cộng đồng, bệnh viện còn liên tục tiếp nhận điều trị các ca bệnh nhập cảnh, vì thế các y, bác sĩ chưa được ngơi tay” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, khó khăn lớn nhất là chúng ta phải đương đầu với một bệnh lý mới, nhất là giai đoạn đầu khi các bác sĩ tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên, trong bối cảnh trên thế giới hầu như chưa có hiểu biết chung về căn bệnh này. Xuyên suốt cuộc chiến, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng đồng nghiệp đã phải vắt óc tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra nhiều quyết định cả về phác đồ điều trị lẫn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. “Dù chưa được thế giới đồng thuận nhưng khi ấy chúng tôi buộc phải lật ngược quan điểm về đường lây truyền vi rút gây dịch Covid-19. Thực tế đã chứng minh rằng, những thay đổi đó đã giúp chúng tôi chống dịch hiệu quả hơn” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Thời gian sau, với số lượng bệnh nhân tăng lên cùng những ca bệnh được điều trị thành công, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp dần có thêm kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về dịch Covid-19. Các kết quả nghiên cứu trên thế giới góp phần giải mã những góc khuất về dịch Covid-19 và việc chẩn đoán, điều trị ngày một hiệu quả hơn. Đặc biệt, các quan điểm, kiến thức về dự phòng lây nhiễm Covid-19 của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp càng được củng cố khi bệnh viện nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo đưa hơn 200 công dân về nước, phần lớn là người nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Kinh nghiệm tiếp tục được đúc rút nhiều hơn khi bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng đồng nghiệp vào chi viện cho “điểm nóng” Bệnh viện Trung ương Huế hồi tháng 8-2020, khi dịch Covid-19 bất ngờ tái bùng phát tại Đà Nẵng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thành quả lớn nhất đối với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có lẽ là số lượng bệnh nhân ngày một ít đi và số bệnh nhân ra viện khỏe mạnh nhiều lên.
Trong những ngày Hà Nội là “tâm dịch”, những cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch như bác sĩ Trần Thị Phương Anh - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng - cũng luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào, nhưng họ đều vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với họ, mỗi đợt dịch là một cuộc chiến mới. Trong những ngày chống dịch, ca làm việc của cán bộ y tế kéo dài hơn ngày thường, khối lượng công việc nhiều kéo theo căng thẳng, áp lực. Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong gần 10 giờ/ngày, mồ hôi ướt sũng, mờ cả lớp kính bảo hộ nhưng tất cả cùng động viên nhau hoàn thành tốt công việc.
“Có những bác sĩ, nhân viên y tế đang nuôi con nhỏ mà mấy tuần liền chỉ được gặp con qua điện thoại. Có hôm phải đến 5h sáng mới xác minh xong đối tượng F1, F2.”, bác sĩ Phương Anh chia sẻ.
Những chiến công thầm lặng
Với Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Văn Việt, đến giờ ký ức về những ngày căng mình chống dịch vẫn vẹn nguyên. Anh Việt tâm sự: “Đích thân vào ổ dịch làm nhiệm vụ nhiều lần, chúng tôi mới thấy đội chống dịch cơ động của quận vất vả biết nhường nào. Có những hôm họ phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đến 3h sáng cho hơn 40 khách du lịch người Pháp. Dù nguy cơ lây nhiễm rất lớn nhưng họ vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thật lòng tôi thấy thương và cảm phục họ vô cùng! Cho đến thời điểm hiện tại, đội ngũ y tế của quận chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Họ vẫn quay cuồng trong vòng xoáy chống dịch”.
Bên cạnh những nỗ lực cống hiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các y, bác sĩ Thủ đô còn thể hiện tinh thần “lương y như từ mẫu” trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Đó là Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng tập thể bệnh viện đã làm nên kỳ tích khi hồi sinh sự sống cho những bào thai dị tật. 30 năm khoác áo blouse trắng, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh được biết đến là vị bác sĩ “mát tay” trong việc hồi sinh cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ thông qua việc làm chủ các kỹ thuật cao hỗ trợ sinh sản, nuôi cấy trứng non, can thiệp bào thai (can thiệp trong buồng tử cung).
Càng tự hào hơn khi các kỹ thuật y học bào thai mà bệnh viện đang triển khai được đánh giá là kỹ thuật cao nhất về sản khoa trên thế giới và bệnh viện được công nhận là cơ sở sản phụ khoa công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai; đến nay, số trường hợp được can thiệp thành công tại bệnh viện lên tới trên 60 ca, trong đó có gần 30 em bé đã chào đời khỏe mạnh. “Thành công trên chỉ là sự mở đầu, vì chỉ định can thiệp bào thai tại Việt Nam có thể lên đến vài nghìn ca một năm” - PGS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Với những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ vì cộng đồng, những chiến sĩ áo trắng Thủ đô ở mọi mặt trận đã và đang tạo nên những kết quả ấn tượng, góp phần xây dựng hình ảnh các y, bác sĩ Thủ đô “giỏi y thuật - giàu y đức”. Tinh thần đó đang tiếp tục được thể hiện trong những ngày đầu năm 2021 khi dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.