Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tư duy mới, tầm nhìn mới

Chí Kiên| 01/05/2023 06:39

(HNM) - Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023) là bản quy hoạch lần đầu tiên được xây dựng và triển khai thực hiện ở nước ta. Văn bản pháp lý quan trọng này vừa mang tính tổng thể, vừa có tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Là lần đầu tiên được xây dựng và triển khai, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, ngành, địa phương để tạo ra động lực tăng trưởng, giá trị mới cho mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Nói cụ thể hơn, quan điểm phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nước ta phấn đấu là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500USD; tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… Quy hoạch cũng nêu cụ thể việc phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; phát triển các vùng động lực và hành lang kinh tế; phát triển hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia, không gian biển; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển hạ tầng quốc gia.

Có thể khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ để lập các quy hoạch về không gian biển, sử dụng đất, định hướng ngành, vùng, địa phương; qua đó loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, gây cản trở, đồng thời phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể quốc gia đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong nhiều năm tới, các bộ, ngành, địa phương và người dân cả nước phải xác định rõ nhận thức chung đây là vấn đề rộng lớn, mới, khó, nhạy cảm và chưa có tiền lệ, từ đó có trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Nhiệm vụ đặc biệt này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu tại hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra sáng 20-4 vừa qua, rằng: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Do đó, triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần xác định rõ, việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia là lần đầu tiên thực hiện, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập, vì vậy, quan trọng nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện phải kịp thời phát hiện những vấn đề chưa sát với thực tế, chưa có tính khả thi cao để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được giao. Tinh thần xuyên suốt, nhất quán là không cầu toàn, không nóng vội và tổ chức triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thật hiệu quả, nghiêm túc.

Với tư duy mới, tầm nhìn mới, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo ra không gian mới, cơ hội mới và giá trị mới phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư duy mới, tầm nhìn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.