Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch

Đình Hiệp| 30/05/2023 06:03

(HNM) - Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch cũng như chính sách liên quan để bảo đảm sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đồng thời, chủ động cung cấp và thường xuyên cập nhật các dữ liệu liên quan thuộc phạm vi quản lý để tích hợp dùng chung trong hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Đó là những chỉ đạo mới nhất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25-5-2023 khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, ngày 9-1-2023, Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ vì liên quan đến quyền lợi của đa số người dân, mà còn góp phần cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Trên thực tế, việc triển khai lập quy hoạch gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ lập quy hoạch bị chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng quy hoạch còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn. Công tác tư vấn gặp nhiều khó khăn cần sớm khắc phục để bảo đảm chất lượng, sát tình hình của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương; vấn đề kinh phí cho công tác quy hoạch có những quy định chưa hợp lý. Công tác thẩm định cần được đổi mới để nhanh hơn, chất lượng hơn, tiếp thu, giải trình rõ ràng, khẩn trương; một số vướng mắc về pháp lý cần tiếp tục giải quyết, xử lý.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực và được lập cho 10 năm, thay vì trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì thế, trước hết cần có các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các địa phương nhằm giải quyết những vấn đề ách tắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong quy hoạch; bảo đảm thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa những chương trình, dự án của các ngành, địa phương.

Với thành phố Hà Nội, việc sớm hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cần được triển khai với tư duy đổi mới, tầm nhìn đột phá, chiến lược nhằm phát huy tiềm năng cũng như cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; giải quyết được các mâu thuẫn hiện nay để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị công bố quy hoạch cuối tháng 4 vừa qua, làm quy hoạch đã khó nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Vì thế, triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền, cũng như sự đồng hành cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.