(HNMO) - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 103-HD/BTGTU tuyên truyền về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hướng dẫn nêu rõ mục đích là giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới, từ đó tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình triển khai Quy hoạch, đồng thuận với chính quyền, cơ quan Nhà nước các cấp trong xử lý những vấn đề phát sinh. Đồng thời, đề cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách, bảo đảm sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia gắn với tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tiến độ triển khai các chương trình, dự án quan trọng, các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thành phố đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, các quy hoạch của địa phương; góp phần giám sát việc thực hiện, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nội dung tuyên truyền gồm ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, cơ sở khoa học của Quy hoạch tổng thể quốc gia, tập trung làm sâu sắc những nội dung sau: Quy hoạch là sự cụ thể hóa đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết chuyên ngành của trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ; là quy hoạch được xây dựng với quy mô lớn, mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm; là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Quy hoạch mở ra cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc hiện thực Quy hoạch trên thực tiễn sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm những mục tiêu chiến lược, lâu dài, bền vững trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy hoạch được xây dựng xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước thời gian qua và phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế. Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước... tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; được hoàn thiện trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu Kết luận số 45-KL/TƯ, ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1882/TB-TTKQH ngày 22-12-2022 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.